Lễ hội do Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chủ trì, kết hợp với Hội Kiến trúc sư Việt; Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm; sự đồng hành của Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-HABITAT và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft)...
Dự buổi khai mạc lễ hội có ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo …
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Nhằm thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy Thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là việc ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực “Chương trình mục tiêu Thành phố về bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn”; các dự án, công trình văn hóa trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, Đền thờ Ngô quyền, Thành Cổ Loa; các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Thành phố cũng đang tích cực, kiên trì, sáng tạo, với quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - là 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng của Thành ủy (khóa XVII); trong thực hiện đúng lộ trình cam kết quốc tế khi Hà Nội - trở thành “Thành phố sáng tạo” của UNESCO gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử, đồng thời thúc đẩy phát triển giá trị văn hóa mới.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, Hà Nội đã không ngừng mở rộng tầm nhìn để trở thành Thủ đô sáng tạo và xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa năng động qua những sáng kiến bao trùm và hợp tác công tư.
Đó là lý do UNESCO rất vui khi được chung tay với lãnh đạo Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, một nền tảng cho các tài năng thuộc khắp các lĩnh vực tụ hội lại để cùng hợp tác và phát triển”.
Diễn ra từ ngày 11 đến 20/11, lễ hội dự kiến sẽ có gần 50 hoạt động, sự kiện như: Triển lãm, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang nhiều yếu tố sáng tạo, tương tác, trải nghiệm, có tính giáo dục. Các sự kiện diễn ra tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, trong đó, ngoài khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú diễn ra tại các không gian khác như: Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) và một số không gian sáng tạo văn hóa khác trên địa bàn Thủ đô...
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra lễ hội, có 4 cuộc thi được tổ chức và phát động gồm: Thiết kế nghệ thuật công cộng 2022; Ngôi nhà mơ ước; Thiết kế nhanh - bảo tồn và phát huy di sản nhà máy; cuộc thi ảnh cho thanh, thiếu niên “Hà Nội một góc nhìn”…
Qua sự kiện, TP Hà Nội mong muốn toàn thể nhân dân cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.