Theo phản ánh của người dân, nhiều trường hợp chủ phương tiện bị các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới yêu cầu phải đưa đi khắc phục các lỗi khiếm khuyết, hư hỏng không ảnh hưởng tới an toàn.
Kiểm tra kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm toàn quốc về việc nâng cao vai trò trách nhiệm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của nhân dân tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong dịp Tết Dương lịch.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 13773/BGTVT-KHCN&MT ngày 23/12/2022 về việc đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của nhân dân tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; đồng thời theo phản ánh của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng cho biết nhiều trường hợp chủ phương tiện bị các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới yêu cầu phải đưa đi khắc phục các lỗi khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không ảnh hưởng tới an toàn đã được quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Sự việc xảy ra đúng thời điểm cuối năm, lượng phương tiện đến đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tăng cao dẫn đến hiện tượng ùn tắc.
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, đơn vị, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; bố trí thời gian làm thêm giờ để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định nhằm giải quyết nhu cầu kiểm định phương tiện tăng cao của người dân; thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình, quy định, tiêu chuẩn và các hướng dẫn có liên quan trong kiểm định xe cơ giới; đồng thời thực hiện các nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và đánh giá trung thực, khách quan các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới khi vào kiểm định theo quy định tại Bảng 1 Phụ lục II của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng nhanh và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với các hạng mục được đánh giá thuộc khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng là hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông (ví dụ mầu sơn không đúng mầu sơn ghi trong giấy đăng ký xe; cửa, khóa cửa và tay nắm cửa đóng, mở không nhẹ nhàng; bậc lên xuống mọt gì, thủng...). Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện việc cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, tuyệt đối không có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cung cấp dịch vụ kiểm định và có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt nhất nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phối hợp hoặc thông báo ngay tới chính quyền địa phương hoặc các cơ quan có thẩm quyền để phòng ngừa không để xảy ra hiện tượng cá nhân lợi dụng nhu cầu đăng kiểm tăng cao để trục lợi và gây rối trật tự công cộng; tuyệt đối không để xảy ra ách tắc, chậm trễ trong việc kiểm định phương tiện cho nhân dân.
Trường hợp có vướng mắc liên hệ Cục Đăng kiểm Việt Nam thông qua Phòng Kiểm định xe cơ giới theo số điện thoại 0243.768.4706 để kịp thời giải đáp.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa quyết định thành lập Tổ công tác về tăng cường quản lý nhà nước; kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Tổ công tác sẽ do một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam làm Tổ trưởng, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới làm Tổ phó và mời đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải địa phương tham gia khi thực hiện kiểm tra, rà soát tại đơn vị đăng kiểm; theo đó từ ngày 1/1-31/12/2023, Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc, gồm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị; điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định.
Cùng với đó, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, quy định để khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, vị trí công việc tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực và giải pháp phòng ngừa.
Nội dung kiểm tra, rà soát gồm hồ sơ về điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm; điều kiện nhân sự; tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên; trang thiết bị và việc thực hiện kiểm định xe cơ giới; hoạt động quản lý, sử dụng và lưu trữ dữ liệu kiểm định; thu, nộp và quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ; quản lý, sử dụng phôi ấn chỉ đăng kiểm được cấp phát; các nội dung khác thuộc chức, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
“Tổ công tác xem xét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP; trường hợp vượt thẩm quyền thì ghi nhận vào biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định," Quyết định nêu rõ./.
Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)