Kiểm soát chặt công tác chấm thi tốt nghiệp THPT

Vũ Xuân Kiên
Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 18/7. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các hội đồng chấm thi kiểm soát chặt chẽ quy trình chấm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; bảo đảm an toàn, chất lượng, đúng tiến độ.

Tại tỉnh Điện Biên, công tác chấm thi được tiến hành từ ngày 3 đến 13/7. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt cho biết: Sở đã lưu ý các cán bộ, giáo viên cũng như các thành viên tham gia chấm thi về các yêu cầu đặt ra.

Theo đó, đối với lãnh đạo các ban chấm thi cần tuân thủ các quy định, quy chế, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các khâu của công tác chấm thi. Ban chấm thi phối hợp tốt với đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo.

d0707ks-7938-1688958924.jpg
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Tiền Giang. (Ảnh MAI MAI)

Với ban chấm thi tự luận, mỗi thành viên phải tự nghiên cứu để nắm chắc quy chế thi, hướng dẫn chấm, đáp án, biểu điểm, quy trình chấm thi; bảo đảm nguyên tắc, mỗi bài chấm phải được hai giám khảo chấm độc lập ở hai tổ chấm khác nhau. Mỗi ngày, một giáo viên chấm ít nhất 40 bài theo đúng định mức quy định.

Các tổ chấm thi bảo đảm tiến độ chấm, những ai không hoàn thành định mức phải báo cáo về trưởng ban chấm thi để có ý kiến chỉ đạo cụ thể. Những vấn đề phát sinh phải được thảo luận, trao đổi cẩn thận, bám sát các quy định của quy chế; bảo đảm chất lượng và tiến độ chấm thi. Ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, đúng quy trình, bảo đảm không để sai sót, nhầm lẫn...

Để công tác chấm thi hiệu quả, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết, ban chấm thi tự luận đang chấm bài Ngữ văn với 15.699 bài và ban chấm thi trắc nghiệm chấm các bài Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ với số lượng 44.204 bài. Tổng số cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi là 222 người. Đối với ban chấm thi tự luận, địa phương đặc biệt lưu ý những nội dung có tính mở, những bài làm vận dụng, sáng tạo của học sinh; đồng thời, làm tốt công tác bảo quản bài thi, hồ sơ chấm thi theo quy định. Ban chấm thi trắc nghiệm đang tiến hành công tác chấm thi theo kế hoạch; hệ thống máy tính, máy quét, phần mềm hoạt động ổn định, bảo đảm chính xác. Theo kế hoạch, công tác chấm thi diễn ra từ ngày 4 đến 10/7; thông báo điểm thi ngày 18/7.

Năm nay, tỉnh Tiền Giang đã huy động 255 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi. Kỳ thi có 15.298 bài thi Ngữ văn, 15.223 bài thi Toán; bài thi Khoa học tự nhiên gồm Vật lý 7.175 bài, Hóa học 7.209 bài, Sinh học 7.168 bài; bài thi Khoa học xã hội có Lịch sử 8.147 bài, Địa lý 8.124 bài, Giáo dục công dân 7.572 bài; bài thi Ngoại ngữ có Tiếng Anh 14.682 bài, Tiếng Trung 3 bài.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, khu vực chấm thi, chấm kiểm tra và bảo quản bài thi được bố trí gần nhau. Tại khu vực làm phách, chấm thi, để bài thi, có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có công an bảo vệ, giám sát liên tục trong ngày. Đối với bài thi tự luận, ban làm phách được bố trí tại các vị trí biệt lập theo đúng quy định. Trong khi đó, hệ thống máy tính và các thiết bị phục vụ chấm thi trắc nghiệm hoạt động thông suốt, chính xác.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, các sở giáo dục và đào tạo đang chấm thi bảo đảm chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian, tuân thủ đúng đáp án. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã chỉ đạo Hội đồng chuyên môn rà soát đáp án thi bảo đảm tốt nhất quyền lợi thí sinh. Trong đó, môn Tiếng Anh đáp án câu 50, mã đề 409 (thứ tự câu này có thể thay đổi theo các mã đề khác nhau) có hai phương án đúng là B và C. Thí sinh lựa chọn một trong hai phương án đều được công nhận là chọn đúng đáp án.

PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo quy định, khu vực chấm thi tại các địa phương phải bảo đảm các điều kiện; số lượng, vị trí camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài trắc nghiệm, phòng chấm bài tự luận. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng chấm thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, bên cạnh chuẩn bị chu đáo một số điều kiện tổ chức chấm thi, các địa phương còn thực hiện tốt quy trình chấm thi, bảo đảm rõ người, rõ nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, công tác chấm thi cần tiếp tục thận trọng, chuyên nghiệp, phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng cá nhân. Từng khâu nhỏ nhất của công tác chấm thi phải được quan tâm và thực hiện đúng quy chế, bảo đảm sự công bằng. Đặc biệt, khâu làm phách phải bảo đảm thành phần tham gia, chuẩn mực, đúng quy trình, quy định.

Những bài thi điểm cao hoặc điểm liệt phải được lưu tâm, kiểm tra kỹ để điểm thi khi công bố thực sự chính xác, đánh giá được kiến thức của học sinh sau 12 năm học tập ở bậc phổ thông; làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại các hội đồng chấm thi; đồng thời, đã bố trí lực lượng cán bộ, giáo viên, giảng viên ở 76 cơ sở giáo dục đại học và 63 sở giáo dục và đào tạo với số lượng 158 người tham gia các đoàn kiểm tra công tác chấm thi.

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)