Đồng 5,10, 20 và 50 euro. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ðánh giá về triển vọng kinh tế châu Âu, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF Alfred Kammer vừa cho biết, dù sụt giảm mạnh trong năm nay, nhưng hầu hết các nền kinh tế châu Âu sẽ tránh được suy thoái. IMF dự báo rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay.
Theo ông Kammer, IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế Eurozone tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 năm nay nhờ mùa đông ấm áp hơn và hành động chính sách quyết đoán của các nhà hoạch định chính sách tại châu lục này.
Ðức là quốc gia duy nhất trong Eurozone mà IMF dự báo sẽ bước vào suy thoái trong năm nay. Giới chuyên gia của IMF cho rằng, triển vọng kinh tế Ðức không lạc quan là bởi nước này phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, những tín hiệu từ nền kinh tế số một châu Âu cho thấy bức tranh kinh tế Ðức cũng không u ám như nhận định của IMF. Theo Bộ Kinh tế Ðức, nền kinh tế nước này đã khởi đầu thuận lợi trong năm nay với sản lượng công nghiệp và xây dựng đều tăng trưởng, tình trạng "thắt cổ chai" về nguyên liệu cũng dần được tháo gỡ, giá năng lượng giảm và điều kiện thời tiết thuận lợi.
Các quốc gia châu Âu luôn phải nỗ lực bảo đảm môi trường tương đối ổn định để nền kinh tế từng bước phục hồi vững chắc. |
Cùng với đó, tâm lý người tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới. Tỷ lệ lạm phát của Ðức được dự báo tiếp tục giảm, mặc dù vẫn ở mức cao. Phạm vi lạm phát dự báo là 5,4% đến 6,6% trong năm 2023 và 2,1% đến 3,5% cho năm 2024.
Báo cáo của Bộ Kinh tế Ðức công bố ngày 14/4 vừa qua cho thấy, nguy cơ suy thoái kỹ thuật do hai quý tăng trưởng âm liên tiếp dường như đã được ngăn chặn.
Theo dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng 0,1% trong quý I/2023, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 0,4% trong quý IV/2022. Các viện kinh tế hàng đầu của Ðức đều dự báo rằng kinh tế nước này trong năm 2023 có thể tăng trưởng 0,3%.
Không chỉ tại Ðức, tình hình lạm phát của các nước Eurozone vốn rất nóng trong năm 2022, nay đã bước đầu lắng dịu.
Phát biểu tại Hội nghị mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF hôm 14/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định tỷ lệ lạm phát ở Eurozone có thể sẽ giảm trong những tháng tới.
Trên thực tế, trong tháng 3 năm nay, giá tiêu dùng cơ sở hằng năm ở Eurozone đã tăng 6,9%, giảm từ mức 8,5% trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong vòng một năm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận vào tháng 10/2022.
Trong các dự báo gần đây nhất, ECB cho rằng lạm phát ở Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.
Tuy nhiên, mặc dù kinh tế khu vực có triển vọng thoát hiểm, các nền kinh tế thành viên của EU vẫn đối mặt không ít thách thức trong bối cảnh động lực tăng trưởng hiện vẫn rất yếu, các rủi ro tài chính vẫn lớn và "bão lạm phát" có thể quay trở lại thổi bay mọi nỗ lực của các chính phủ.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva vừa đưa ra nhận định nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể qua nhiều cú sốc, nhưng chưa vượt qua được hai yếu tố xảy ra đồng thời gồm tăng trưởng yếu và lạm phát dai dẳng.
Kinh tế châu Âu cũng đối mặt các khó khăn tương tự. Chủ tịch ECB Lagarde dự đoán lạm phát tại Eurozone sẽ tiếp tục giảm, nhưng cũng đã cảnh báo rằng triển vọng này vẫn bị đe dọa do những yếu tố không chắc chắn, trong đó có rủi ro sụt giá.
Mức tăng lương cao hơn dự báo có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao, trong khi những căng thẳng trên thị trường tài chính hoặc giá năng lượng giảm nhanh có thể khiến lạm phát tăng chậm lại.
Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga-Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ hai, cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới ở châu Âu và biến nỗ lực chống lạm phát, tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực thành "công dã tràng".
Thực tế nêu trên cho thấy, kinh tế Lục địa già trên thực tế mới chỉ có triển vọng thoát hiểm chứ chưa bước vào giai đoạn phục hồi vững chắc. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc sử dụng các "liều thuốc tăng lực" cho nền kinh tế, các quốc gia châu Âu luôn phải nỗ lực bảo đảm môi trường tương đối ổn định để nền kinh tế từng bước phục hồi vững chắc.
BẠCH DƯƠNG