Ngay từ buổi đầu của cuộc thi "Lớn lên cùng sách" cấp thành phố, ngày hội văn hóa đọc của Quận 10, cô và trò Trường THCS Nguyễn Văn Tố đã tham gia với tất cả sự hồ hởi, phấn khích. Ðây là những hoạt động rất có ý nghĩa, tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích, gợi niềm hứng thú cho học sinh.
Các em được tự do trình bày cảm nhận về một quyển sách đã đọc, thỏa sức sáng tạo mô hình đọc sách, sáng tác tranh, truyện... Cô Ðoàn Thị Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố cho biết: Ngoài việc học hành, nhà trường nhận thấy việc đọc sách là một thú vui tao nhã mà các em học sinh thật sự yêu thích. Dạy cách đọc sách là cách thức dạy học sinh tự học, tự phát huy tiềm năng, tự phát triển toàn diện theo sở thích, nhu cầu của từng học sinh. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm chăm sóc sự học của các em, nhà trường cũng chú trọng đến việc tổ chức, xây dựng phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Với phương châm "thư viện là trái tim" của nhà trường, Trường THCS Nguyễn Văn Tố đã tập trung xây dựng thư viện với diện tích gần 100m2, có phòng đọc riêng, phòng chứa sách riêng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Thư viện được trang bị máy lạnh, gần 30 máy vi tính kết nối internet, đa dạng các loại sách tham khảo, học tập, bồi dưỡng nâng cao, sách hướng dẫn nghiên cứu khoa học, sách tâm lý phù hợp các lứa tuổi của học sinh… với tổng số 12.520 bản. Ngoài ra, tại mỗi lớp học của nhà trường đều có một tủ sách lớp học với rất nhiều đầu sách mới, có giá trị và phù hợp các lứa tuổi của học sinh, là nơi để các em giao lưu trao đổi sách, giới thiệu sách hay cho bạn bè…
Bằng việc chú trọng phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, những năm qua, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố đã đạt được nhiều giải thưởng tại các hội thi "Lớn lên cùng sách", hội thi "Ðại sứ văn hóa đọc"… cấp thành phố. "Thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin hơn; văn hóa đọc thì ngược lại. Việc phát triển và lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp đến từng học sinh cũng là một cách giáo dục hữu hiệu thông qua việc đọc của các em", cô Ðoàn Thị Nụ chia sẻ.
Nhằm lan tỏa tình yêu dành cho sách, hằng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thi "Lớn lên cùng sách" cho học sinh THCS trên địa bàn. Mỗi năm, ngành giáo dục thành phố chọn một chủ đề, cũng như cách thức tổ chức khác nhau để tạo sự bất ngờ, cảm hứng cho các thí sinh tham gia cuộc thi. Năm 2023, Ban tổ chức hội thi "Lớn lên cùng sách" đã cho 200 thí sinh tham gia cuộc thi tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các học sinh được nghe các hướng dẫn viên thuyết minh, trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử thông qua các cổ vật, qua các triển lãm, mô hình, số liệu... Sau khi "đọc" trang sách lớn tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, các thí sinh thiết kế một quyển sách mang tựa đề "Quyển sách lịch sử của tôi", là sản phẩm có được từ hành trình trải nghiệm ở Bảo tàng.
Bất ngờ, thú vị với cách tổ chức cuộc thi gắn với giá trị lịch sử của dân tộc, em Võ Lê Khánh Nhi, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Phan Bội Châu, Quận 12 chia sẻ: Tại bảo tàng, em nhận được nhiều bài học lớn về lịch sử Việt Nam. Em rất ấn tượng về cuộc thi khi các thí sinh được trải nghiệm tại bảo tàng, tìm hiểu những hiện vật lưu giữ những giá trị, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Qua hội thi, giúp em nhận thức sâu sắc rằng có quá khứ lịch sử thì ta mới có hiện tại và tương lai. Ðồng thời, hội thi giúp em rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu của ông cha ta trong quá trình chống giặc ngoại xâm, tạo động lực sau này có thể giúp em xây dựng, bảo vệ đất nước.
Ðể bước vào vòng chung kết hội thi "Lớn lên cùng sách", các thí sinh phải trải qua nhiều vòng thi ở nhà trường, tiếp đến là cấp quận, huyện, thành phố Thủ Ðức. Cô Phạm Thị Hồng Yến, giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu, Quận 12 cho biết: Khi các em tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, các em sẽ tự do sáng tạo, tìm hiểu về lịch sử qua các hiện vật. Từ đó, các em thiết kế thành "Quyển sách lịch sử của tôi" với sự sáng tạo không bị gò ép trong khuôn khổ.
Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng thông qua hội thi sẽ giúp các trường duy trì, phát triển thói quen đọc sách cho học sinh trong môi trường học đường, nâng cao chất lượng học tập, phát huy chức năng, vai trò của thư viện trong trường học; giúp học sinh nuôi dưỡng tình yêu đối với sách. Qua quá trình đọc sách, học sinh có sự thay đổi tốt đẹp về tâm hồn, kiến thức, tư duy, kỹ năng sống, nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo, biết vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đã đọc. Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Hy vọng qua hội thi "Lớn lên cùng sách", không chỉ tiếp tục duy trì việc đọc sách theo như thói quen tốt của các em, mà còn lan tỏa đến với những thành viên chung quanh, đến với bạn bè để việc đọc sách trở thành hoạt động luôn có ý nghĩa, đem lại nhiều lợi ích phát triển toàn diện cho các em học sinh".