Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát sau trận động đất ở tỉnh Al Haouz, Maroc, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Số lượng thảm họa thiên nhiên trên thế giới đã tăng gấp 10 lần kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, với tổng chi phí khắc phục thiệt hại tăng từ 50 tỷ USD/năm trong những năm 80 lên 200 tỷ USD/năm trong thập kỷ qua. Riêng từ đầu năm đến nay, thế giới liên tiếp chứng kiến những đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hồi tháng 2 khiến hơn 59.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 120 tỷ USD; động đất ở Maroc tháng 9 khiến hơn 2.900 người thiệt mạng, 500.000 người phải di dời và hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy.
Hai trận động đất ở Afghanistan mới đây khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị mất nhà cửa. Trong khi đó, thảm họa thiên tai ở Trung Quốc trong 3 quý đầu năm ảnh hưởng đến 89,1 triệu người, khiến 499 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 42,87 tỷ USD; lũ quét ở Ấn Độ khiến ít nhất 77 người thiệt mạng, lũ quét tại Somalia khiến hơn 100.000 người phải di dời; bão Mocha quét qua Myanmar và Bangladesh hồi tháng 5 khiến khoảng 400.000 người phải sơ tán; lũ lụt kinh hoàng tại Libya, khu vực Bắc Mỹ chứng kiến nạn cháy rừng tồi tệ...
Riêng tại Mỹ, trong 8 tháng đầu năm nay, nước này hứng chịu 23 thảm họa thiên nhiên - mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính mỗi thảm họa gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD.
Bất bình đẳng, dưới mọi hình thức, là nguyên nhân chính khiến nhiều người đối mặt với các rủi ro thiên tai. Đó là bởi vì nghèo đói và bất bình đẳng buộc một số cộng đồng phải sống ở những khu vực nguy hiểm, với cơ sở hạ tầng và nhà ở kém chống chịu trước thiên tai.
Bất bình đẳng cũng cản trở khả năng của một số cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin, các dịch vụ như tài chính và bảo hiểm cũng như hệ thống cảnh báo. Sau thảm họa, các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và người dân thường bị lún sâu hơn vào nghèo đói.
Tuy nhiên, có thể thấy, thiên tai và bất bình đẳng thực chất là hai mặt của một vấn đề. Bất bình đẳng đang làm trầm trọng thêm những thảm họa thiên nhiên. Ngược lại, rủi ro thiên tai ngày càng lớn trong bối cảnh thế giới đối mặt hàng loạt thách thức như khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang khiến bất bình đẳng trong xã hội thêm sâu sắc, đẩy một số nhóm đối tượng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai.
Thiên tai tác động lớn đến các cộng đồng khó khăn về kinh tế, với 91% số ca tử vong do thời tiết và khí hậu khắc nghiệt trong giai đoạn 1970-2019 là ở các nước đang phát triển. Ngay cả ở những quốc gia giàu có hơn, phần lớn nạn nhân của thảm họa là những người nghèo nhất và những người đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế - xã hội.
Phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái, cũng phải gánh chịu nhiều tác động hơn. Theo đó, khả năng tiếp cận không bình đẳng và hạn chế đối với các nguồn lực kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận hỗ trợ, bồi thường và phục hồi của phụ nữ và trẻ em sau thiên tai.
Trong giai đoạn 2016-2021, các thảm họa khí hậu đã buộc 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia trên thế giới phải di dời, tương đương 20.000 trẻ em phải đi lánh nạn mỗi ngày. Hàng chục triệu trẻ em phải di dời chỗ ở do thiên tai cũng đồng thời là nạn nhân của những sang chấn tâm lý khi nhiều em phải xa rời bố mẹ hoặc bị bóc lột.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDRR) công bố tháng trước cho thấy 84% số người khuyết tật không có kế hoạch chuẩn bị trong trường hợp xảy ra thảm họa, chẳng hạn như các tuyến đường sơ tán, nơi trú ẩn sẵn có và nguồn cung cấp khẩn cấp. Ngoài ra, 56% không biết hoặc không được tiếp cận thông tin về rủi ro thiên tai trong cộng đồng nơi họ sinh sống.
Nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn của thiên tai và bất bình đẳng, Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai (13/10) năm 2023 với chủ đề “Chống bất bình đẳng vì một tương lai kiên cường.” Chủ đề sự kiện năm nay phù hợp với tinh thần Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015-2030 được 187 quốc gia ký kết tại một hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc ở Sendai (Nhật Bản) năm 2015, trong đó chú trọng giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển...
Một tuyến đường bị sạt lở sau trận lũ quét ở bang miền núi Sikkim ngày 5/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước nỗ lực thực hiện Khuôn khổ Sendai, vốn là văn kiện bổ sung cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở cấp độ toàn cầu, thông qua Quỹ khắc phục thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) trong năm nay và đảm bảo đến năm 2027 tất cả mọi người trên thế giới được tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm thiên tai.
Theo tính toán, một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả có thể cứu sống hàng chục nghìn người và ngăn chặn hàng trăm tỷ USD thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, tính đến năm 2022, chỉ một nửa số quốc gia trên toàn cầu được bảo vệ nhờ hệ thống cảnh báo sớm.
Con số này thậm chí còn thấp hơn ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho việc thu thập và sử dụng dữ liệu để hiểu rõ mức độ tác động của thảm họa, từ đó lập ra các kế hoạch xây dựng khả năng phục hồi phù hợp với từng quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân.
Để có giải pháp ứng phó thiên tai hoàn chỉnh cả trước mắt và lâu dài, chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020.
Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia các cơ chế hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thực hiện có trách nhiệm các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc tế. Đặc biệt, năm 2023 là năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quản lý thiên tai (ACDM).
Giới chuyên gia dự báo đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với khoảng 560 thảm họa thiên nhiên mỗi năm. Ước tính thêm 37,6 triệu người sẽ phải sống trong hoàn cảnh “cực kỳ nghèo đói” do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong kịch bản xấu nhất, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể đẩy thêm 100,7 triệu người vào cảnh nghèo đói.
Để ngăn chặn những rủi ro của thiên tai, điều quan trọng là các quốc gia phải tái khẳng định cam kết đầu tư vào khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu để “xây dựng một tương lai an toàn và công bằng cho tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi,” như lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres./.
Phan An (TTXVN/Vietnam+)