Lý do Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Vũ Xuân Kiên
Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Theo thông tin của Bộ Xây dựng vừa phát đi chiều ngày 2/3, Bộ Xây dựng cho biết đơn vị đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước tạm dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và ưu tiên triển khai gói 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đưa ra cụ thể các đối tượng được ưu tiên trong gói 120.000 tỷ đồng. Trước mắt, gói tín dụng này vẫn ưu tiên hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

nha-o-xa-hoi20230225123202-1677814850.jpg
Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Trước đó, tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm 17/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Đánh giá về đề xuất trên của Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường.

Tuy nhiên, bà Hồng đặt vấn đề: "Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ".

Về giải pháp hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thống đốc cho biết đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng này sẽ có lãi suất (cho vay cả người xây dựng và người mua nhà) thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Bà Hồng cho biết sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.