Đức đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào cả hàng nhập khẩu của Nga và Trung Quốc.
Ngày 2/5, Đức tuyên bố tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ để hỗ trợ các nỗ lực của EU nhằm nối lại mối quan hệ với New Delhi và tăng cường hợp tác với quốc gia được cho là "cùng chí hướng".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại Berlin trong một hội nghị tham vấn liên chính phủ và ký kết một thỏa thuận đối tác nhằm hỗ trợ Ấn Độ trong quá trình chuyển đổi xanh.
“Ấn Độ là đối tác quan trọng của Đức ở châu Á về lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính sách khí hậu”, ông Scholz cho biết trong một thông cáo báo chí sau cuộc tham vấn.
Trong khi cuộc tham vấn lần thứ 6 của hai chính phủ Đức và Ấn Độ tập trung vào vấn đề khí hậu và tính bền vững, với việc Đức cam kết viện trợ phát triển 10 tỷ Euro trong 10 năm tới, các nội dung thảo luận cũng bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Ông Scholz nhấn mạnh: “Chúng tôi đồng ý rằng không được thay đổi biên giới bằng vũ lực cũng như về tính toàn vẹn và chủ quyền của các quốc gia”.
Về phần mình ông Modi cho biết: “Chúng tôi là các quốc gia dân chủ và do đó, chúng tôi chia sẻ toàn bộ các giá trị chung”, khẳng định cam kết chung đối với nhà nước pháp quyền.
Để thúc đẩy hợp tác giữa các nền dân chủ về “những vẫn đề toàn cầu”, ông Scholz cũng thông báo rằng Ấn Độ sẽ tham gia các cuộc đàm phán G7 vào tháng 6 tới với tư cách là một quốc gia quan sát viên.
Theo ông Modi, Ấn Độ hiện có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các nền kinh tế hàng đầu khác và chúng tôi tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ trở thành một trụ cột quan trọng của sự phục hồi toàn cầu.
Mức độ liên kết của Ấn Độ trong thương mại quốc tế đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Riêng năm 2021, ngoại thương của Ấn Độ đã tăng khoảng 50%. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong EU và lớn thứ sáu trên toàn cầu: Ấn Độ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 14 tỷ Euro từ Đức vào năm 2021.
Tuy nhiên, Ấn Độ hiện chỉ được xếp hạng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 23 của Đức, đó là lý do tại sao Đức và EU đang thúc đẩy ký kết một hiệp định thương mại tự do toàn diện vì Ấn Độ có “tiềm năng tăng trưởng cao và năng lực đổi mới ấn tượng”, Thủ tướng Đức Scholz nêu rõ.