Các quy định, quy chế, hướng dẫn về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được sửa đổi, bổ sung, ban hành bảo đảm đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ hơn, xác định rõ hơn nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát, làm cơ sở để xem xét, đánh giá, kết luận, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát [2]. Qua đó, góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Thực hiện các quy định của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã có bước tiến mới, với những kết quả rất quan trọng, mang tính đột phá. Việc xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm được thực hiện nghiêm minh, công khai, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. UBKT Trung ương tích cực đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm. Tăng cường công tác giám sát với cách làm mới (trong đó có hoạt động xác minh...); theo dõi địa bàn, khai thác tài liệu các cơ quan liên quan. Lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và những vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Chỉ tiến hành kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, đó là kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Tập trung kiểm tra, phát hiện vấn đề trọng tâm, nhanh chóng kết luận, xử lý, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kiên quyết, khách quan, chính xác, không suy diễn; đề cao đối thoại với đối tượng bị kiểm tra. Xem xét kỷ luật phải công tâm, khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, chính xác, thấu tình, đạt lý. Tăng cường kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm (cách cấp); kịp thời tiến hành kiểm tra lại các vụ việc dư luận quan tâm, UBKT cấp dưới đã kiểm tra nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Thường trực UBKT Trung ương chủ động và có quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên nghe các đoàn kiểm tra, giám sát báo cáo và kịp thời định hướng, chỉ đạo, tạo sự thống nhất trong quá trình kiểm tra, giám sát. Thực hiện việc công khai kết quả các phiên họp của UBKT Trung ương. Chú trọng tuyên truyền trên báo chí về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.
UBKT Trung ương đã tập trung kiểm tra làm rõ, kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật, đề nghị kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, cả đương chức và nghỉ hưu, khắc phục tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong cán bộ, đảng viên. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm đã được xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh, có tác dụng cảnh báo, răn đe đối với cán bộ, đảng viên, góp phần tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến tháng 6-2023, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 114.878 tổ chức đảng và 619.030 đảng viên, trong đó có 136.864 cấp ủy viên các cấp; giám sát 85.117 tổ chức đảng và 282.471 đảng viên, trong đó có 82.495 cấp ủy viên. Qua giám sát, phát hiện 407 tổ chức đảng và 1.264 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 47 tổ chức đảng và 201 đảng viên. UBKT các cấp tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã kiểm tra 6.873 tổ chức đảng và 20.824 đảng viên, trong đó có 10.162 cấp ủy viên các cấp, chiếm 48,8% số đảng viên được kiểm tra; giám sát 59.854 tổ chức đảng và 86.678 đảng viên, trong đó có 52.350 cấp ủy viên các cấp, chiếm 60,4% số đảng viên được giám sát [3].
Qua kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, có thể thấy, nội dung vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên chủ yếu là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến xảy ra các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, tài chính, tài sản, thực hiện dự án đầu tư; và vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống… Đáng chú ý là vi phạm còn xảy ra ở cả các lĩnh vực nhạy cảm, như thực hiện chính sách nhân đạo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục… Có trường hợp từng là cán bộ lãnh đạo bộ, ngành đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng do có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tính chất, mức độ, hậu quả của các vi phạm ngày càng lớn, có những vụ việc gây thiệt hại rất lớn về tiền, tài sản của Nhà nước; nhiều vi phạm diễn ra trong một thời gian dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nhưng không được phát hiện, kiểm tra kịp thời, dẫn đến khi xử lý để lại hậu quả rất nặng nề.
UBKT Trung ương đã tham mưu với Ban Bí thư ban hành 24 quy chế phối hợp giữa UBKT Trung ương và các cơ quan, tổ chức đảng có liên quan, tham mưu về phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý để đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản có liên quan cho phù hợp. Việc công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động tích cực, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cùng với kỷ luật của Đảng, các cơ quan nhà nước cũng tiến hành kỷ luật hành chính tương xứng, bảo đảm kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật của Nhà nước; kỷ luật của Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong bộ máy nhà nước.
Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát. Theo thống kê bước đầu, trong hơn 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 3.700 tổ chức đảng, hơn 213.000 đảng viên, trong đó có hơn 8.760 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng, hơn 700 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật gần 220 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 95 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cao hơn 8 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI (11 cán bộ) và gần bằng số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật của cả nhiệm kỳ Đại hội XII (113 cán bộ).
Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi đau xót, nhưng là việc không thể không làm. Thực tế xử lý kỷ luật cán bộ cao cấp vi phạm vừa qua cho thấy, nhìn một cách tổng thể công tác cán bộ của Đảng được quy định rất chặt chẽ và khoa học, nhất là việc đề bạt, cất nhắc, luân chuyển cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải qua nhiều bước, nhiều cơ quan, ban, ngành ở Trung ương xem xét, thẩm định. Do đó, không thể có lỗ hổng về quy trình, quy định. Phải chăng lỗ hổng ở đây là do tổ chức, cá nhân thực hiện các quy trình, quy định đó tạo ra, là sự thiếu trách nhiệm, nể nang, né tránh, là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của những người có thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá, nhận xét, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ? Vì thế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót, khuyết điểm khi mới manh nha; bảo đảm cho Đảng ta, trước hết là các cơ quan lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo của Đảng luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng, có phẩm chất cách mạng tốt, ngăn chặn, đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và UBKT Trung ương trong việc xử lý cán bộ sai phạm là rất dứt khoát, bởi nếu không kịp thời ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Cách thức tiến hành của UBKT Trung ương trong xem xét các vụ việc và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có khuyết điểm liên quan trong thời gian vừa qua được dư luận và cán bộ, đảng viên đánh giá cao. Việc công khai thông tin thể hiện sự cương quyết, trách nhiệm và thẳng thắn trong xử lý cán bộ sai phạm, cho dù đó là cán bộ ở cấp nào, đương chức hay nghỉ hưu. Cách thức công khai như vậy cũng cần được áp dụng ở cả cấp địa phương khi xem xét xử lý cán bộ sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng thời gian qua còn không ít khuyết điểm, hạn chế. “Việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời... Công tác giám sát ở các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp... Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm” [4]. Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, “lợi ích nhóm”, “trông chờ, nghe ngóng”, “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác tự kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh xử lý tiêu cực, sai phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế còn hạn chế.
Đặc biệt, việc kiểm soát quyền lực của cấp ủy và UBKT các cấp nhằm phòng ngừa sự lợi dụng quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát vẫn chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Trên thực tế, có nhiều biểu hiện lợi dụng quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, như nhận hối lộ, nhận quà biếu; tự ý tiếp xúc với đối tượng kiểm tra, giám sát; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh, kết quả kiểm tra, giám sát để trục lợi; bao che, “bỏ qua” hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm; làm sai lệch kết quả kiểm tra, giám sát gây bất lợi hoặc có lợi cho đối tượng kiểm tra, giám sát... Các biểu hiện tha hoá quyền lực xuất hiện với nhiều hình thức, mức độ khác nhau rất đa dạng, tinh vi song mục đích chính vẫn là trục lợi – tức là tham nhũng (cả về vật chất và phi vật chất); dùng quyền lực tác động không đúng, “ưu ái” với một số đối tượng thân quen hoặc lợi dụng vị trí công tác để thao túng, thâu tóm quyền lực của tập thể, của người khác trái quy định nhằm trục lợi, “chỉ một cá nhân có thể thâu tóm, thao túng cả tập thể”, hoặc “năng lực, bộ máy, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện và xử lý được tham nhũng”? Như vậy, phải chăng có vấn đề “lợi ích nhóm” và có sự dung túng, bao che, tiếp tay của cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn? Lợi ích càng lớn thì sự tha hoá quyền lực càng nhanh, mạnh và quyết liệt, dữ dội hơn. Thực tế cho thấy, một khi luật pháp lỏng lẻo hay quyền lực ít được giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ thường xuyên thì sự tha hoá quyền lực càng biểu hiện công khai, trắng trợn hơn!
Một số giải pháp chủ yếu
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong Đảng, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và UBKT các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng là hết sức nặng nề. Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; hoàn chỉnh quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Cùng với đó, cần kiểm soát được quyết định, hành vi của chính những người làm công tác kiểm tra, giám sát. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tham mưu về tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư cấp uỷ, người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Từng cán bộ kiểm tra phải nắm vững và thực hiện nghiêm túc những quy định, những văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, đặc biệt là những nội dung mới, nội dung cốt lõi về công tác này được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhằm tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn ngành kiểm tra đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải chủ động, đi trước, là tiền đề, “mở đường” cho xử lý kỷ luật hành chính Nhà nước và xử lý theo pháp luật, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham những. Kỷ luật đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng để Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Do đó, Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động sẽ dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Kỷ luật của Đảng nghĩa là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải thống nhất, xuất phát từ sự tự giác của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ của họ đối với Đảng. Tuy nhiên, kỷ luật của Đảng không chỉ đòi hỏi tính tự giác mà còn mang tính bắt buộc đối với những tổ chức đảng và đảng viên chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình. Những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật thích đáng.
Hai là, tham mưu tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thành các văn bản, quy định, quy chế, hướng dẫn, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phải chủ động tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, khách quan, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; coi trọng phòng ngừa, lấy “xây” là chính, là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, nhưng “chống” là nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt, phải kiên trì, kiên quyết, thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Trong đó, chú trọng đổi mới, cải tiến quy trình kiểm tra, giám sát để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Những quy định này cũng nhằm bảo đảm không có đảng viên nào có đặc quyền vượt quá Điều lệ Đảng cho phép; mọi đảng viên đều bị giám sát, xem xét, nhận xét, đánh giá hoạt động; mọi đảng viên đều có quyền bình đẳng, trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định và quản lý công việc trong Đảng. Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác thì phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Hai mặt dân chủ và kỷ luật trong Đảng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Có mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng thì mới bảo đảm được kỷ luật và ngược lại, có bảo đảm được kỷ luật thì mới mở rộng, tăng cường được dân chủ trong Đảng.
Theo đó, Đảng cho phép mọi đảng viên được tự do tư tưởng, được đề đạt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến riêng của mình lên đến cơ quan cao nhất của Đảng. Đồng thời, Đảng cũng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong cả lời nói và việc làm. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về các chi bộ đảng. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia đầy đủ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để một cán bộ, đảng viên nào đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đây là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.
Ba là, tham mưu tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, những nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; những nơi tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, như kinh tế - tài chính, năng lượng, y tế, giáo dục, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, huy động, sử dụng các nguồn vốn, thực hiện các dự án đầu tư và công tác cán bộ. Cần công khai trên công luận những vụ việc tha hoá quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lạm dụng quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” lớn; công khai các hành vị tha hoá quyền lực trong việc chạy chức, chạy quyền, trong việc bổ nhiệm người thân, người nhà không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, thẩm quyền hoặc nâng đỡ “không trong sáng” cán bộ dưới quyền… để cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy rõ tính chất nguy hại của tha hoá quyền lực để lại nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… Phải chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phải chú trọng công tác giám sát để phát hiện sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người, giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.
Bốn là, tham mưu tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, chú ý giám sát đều các khu vực, lĩnh vực, địa phương, coi đây là việc làm thường xuyên để phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa từ xa, giải quyết từ sớm các khuyết điểm, vi phạm với mục đích “trị bệnh cứu người”, không để từ khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, từ vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Khi xem xét đơn, thư tố cáo, không phân biệt có ký tên hay không ký tên, vì đây là một đầu mối, một nguồn thông tin, còn vấn đề khẳng định sự đúng, sai của thông tin này là ở công tác kiểm tra của UBKT và các cơ quan có trách nhiệm. Điều này càng khẳng định, dân chủ là cơ sở để thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ, mở rộng dân chủ là điều kiện cốt yếu để tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật nghiêm minh trong Đảng hiện nay. Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng và xử lý vi phạm về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tăng cường chỉ đạo UBKT cấp dưới, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra cách cấp để thúc đẩy và tạo chuyển biến mang tính toàn diện, rõ rệt hơn nữa trong toàn ngành kiểm tra đảng. Các địa phương, đơn vị phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phải thực sự quan tâm, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận; chọn một số vụ việc có tính điển hình để kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, nhất là trong phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; khắc phục cho được tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”, “trên nóng, dưới lạnh”.
Năm là, tham mưu phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành một trong những nội dung công tác trọng tâm của UBKT các cấp trong nhiệm kỳ này. Tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát mới chuyển. Kỷ luật của Đảng phải được thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự.
Sáu là, tham mưu thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy UBKT và cơ quan UBKT; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra và luân chuyển cán bộ kiểm tra sang công tác ở các cấp, các ngành khác theo Thông báo Kết luận số 312-TB/TW, ngày 9-3-2010 của Ban Bí thư “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển lãnh đạo UBKT các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra”. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra, trong đó chú trọng trang bị phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ và thường xuyên bổ sung kinh nghiệm thực tiễn về xử lý các vụ việc, cập nhật kiến thức cho họ. Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động của UBKT các cấp, đặc biệt là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm tra, gáim sát, kỷ luật đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
-------------------------------
[1] Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008, của Bộ Chính trị, về “Ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng”; Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 8-11-2013, của Bộ Chính trị, “Về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 23-5-2017, của Bộ Chính trị, “Về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, của Bộ Chính trị, “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 3-1-2018, của Ban Bí thư, “Về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 01-QĐi/TW, ngày 10-5-2018, của Bộ Chính trị, về “Trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống tham nhũng”; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”...
[2] Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.198.
[3] Trần Thị Hiền: “Cấp ủy, UBKT các cấp cần nhận thức sâu sắc về công tác tuyên truyền trong kiểm tra, giám sát của Đảng”, Tạp chí Kiểm tra, số 157 (350), tháng 10-2023.
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.201.