Ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng tem, sổ đăng kiểm giả

Tran Huy

Thời gian qua, nhiều vụ sử dụng tem, sổ đăng kiểm phương tiện giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu sử dụng các loại giấy tờ giả này của một bộ phận người dân để thu lợi bất chính. Tình trạng này cần được xử lý nghiêm để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Giấy tờ kiểm định nghi là giả do Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 thu giữ trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (Ảnh: Công an Đà Nẵng cung cấp).
Giấy tờ kiểm định nghi là giả do Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 thu giữ trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (Ảnh: Công an Đà Nẵng cung cấp).

Đầu tháng 2/2023, tại đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đội tuần tra của Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, kiểm tra ô-tô mang BKS 61F-001.06. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe có xuất trình sổ đăng kiểm và tem kiểm định, tuy nhiên, qua tra cứu hệ thống, lực lượng tuần tra nghi ngờ các giấy tờ này bị làm giả. Theo dữ liệu kiểm tra, phương tiện này đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 12/12/2022. Đây chỉ là một trong nhiều vụ cơ quan chức năng phát hiện xe ô-tô, xe tải giả mạo sổ, tem kiểm định trong thời gian qua.

Theo cơ quan chức năng, do thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhiều cơ sở đăng kiểm dừng hoạt động trong khi nhu cầu đăng kiểm xe tăng cao, thay vì chờ đợi để đăng kiểm, một số chủ phương tiện đã mua sổ, tem đăng kiểm giả trên mạng. Cán bộ cảnh sát giao thông một số địa phương cho biết, các loại tem, sổ đăng kiểm được kiểm tra rất kỹ, khi bị phát hiện là giả sẽ bị xử lý nghiêm.

Việc kiểm định xe rất quan trọng, góp phần bảo đảm các điều kiện an toàn của xe, giảm rủi ro trong quá trình lưu thông. Việc xuất hiện tình trạng sử dụng tem, sổ đăng kiểm giả đã khiến không ít người dân bất an.

Anh Nguyễn Ngọc Anh (trú tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tuyến đường tôi đi làm thường xuất hiện nhiều xe ô-tô khách và xe tải. Trước đây, khi chưa có tình trạng dùng tem, sổ đăng kiểm giả, tôi phần nào yên tâm bởi những xe lưu thông trên đường đều được chứng nhận bảo đảm an toàn để hoạt động.

Tuy nhiên, bây giờ, nếu tình trạng làm giả giấy tờ này không được giải quyết triệt để, người dân sẽ rất lo lắng, bởi xe không được kiểm tra chất lượng định kỳ theo quy định thì khả năng gây tai nạn sẽ cao hơn”.

Nhiều chủ phương tiện tìm mua tem đăng kiểm giả là do xe đã được lắp thêm nhiều thiết bị không đúng quy định, quá hạn đăng kiểm, mất giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận đăng kiểm bị hư hỏng...

Nhiều trang web, mạng xã hội đã rao bán tràn lan tem, sổ đăng kiểm ở vị trí rất dễ nhìn thấy, bên cạnh các dịch vụ khác như làm sổ đỏ, bằng đại học giả… Trang web này còn đăng bài viết quảng cáo cho tem đăng kiểm giả, sau khi thổi phồng quá trình đi đăng kiểm trực tiếp hết sức vất vả, nhiêu khê và việc “mua tem giả là... cần thiết, vừa đỡ mất thời gian, tiết kiệm tiền bạc và cơ quan chức năng cũng không thể phát hiện được”.

Để thu hút khách hàng, trang web này còn cung cấp một số điện thoại đường dây nóng, khách hàng có thể gọi 24/24 giờ các ngày trong tuần. Liên hệ với số điện thoại trên trang web nêu trên, phóng viên được giới thiệu mặt hàng gồm cả bộ sổ và tem đăng kiểm, với giá từ 3 triệu đồng trở lên, tùy từng loại xe. Nếu chỉ mua tem, mức giá là 1,5 triệu đồng. Người này cũng khẳng định chắc chắn tem và sổ đều là phôi thật. Khách hàng được bảo vệ thông tin tuyệt đối và không phải đặt cọc mà chỉ trả tiền sau khi nhận được giấy tờ cần thiết.

Tình trạng rao bán giấy tờ giả nêu trên còn xuất hiện tại các hội, nhóm trên những trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng như Facebook, Zalo, Telegram…

Anh H.T.T. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, cách đây không lâu, do xe của anh lắp thêm nhiều thiết bị không đúng quy định, sợ không được đăng kiểm cho nên anh T. đã tìm, trao đổi với một tài khoản có tên “Vuong Thanh”. Đây là người đã đăng nhiều thông tin quảng cáo về việc làm giấy đăng kiểm giả trong nhiều nhóm trên Facebook và Zalo.

“Sau khi trò chuyện, tôi được hướng dẫn chụp ảnh xe và sổ đăng kiểm. Người kia bảo tôi chuyển hơn một triệu đồng và khoảng ba ngày sau, có người giao cho tôi tem đăng kiểm. Mặc dù nhìn bằng mắt thường khó phân biệt được tem giả, tem thật nhưng sau đó, vì sợ vi phạm pháp luật, tôi đã không sử dụng tem này mà mượn xe của người quen để đi lại trong khi chờ xe ô-tô của tôi đăng kiểm xong”, anh T. cho biết.

Theo luật sư Phạm Việt Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Hưng và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tiếp tay cho các hành vi làm giả giấy tờ.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển phương tiện bị phạt bốn triệu đồng đến sáu triệu đồng nếu sử dụng giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa (Điều 16).

Điều 30 quy định, nếu chủ phương tiện khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt hai triệu đồng đến bốn triệu đồng (với cá nhân), bốn triệu đồng đến tám triệu đồng (với tổ chức).

Trường hợp làm giả tem, sổ đăng kiểm, theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu người vi phạm thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, mức phạt tù có thể lên tới 7 năm.

THANH HỒNG - AN NHIÊN