Từ tháng 1/2024, xe điện vận chuyển giữa Anh và EU phải chịu mức thuế 10%, trừ phi ít nhất 45% giá trị các bộ phận của xe có nguồn gốc từ Anh hoặc EU. (Nguồn: Bloomberg)
Hiệp hội sản xuất ôtô châu Âu (Acea) vừa đưa ra cảnh báo ngành ôtô của châu lục có thể mất 4,3 tỷ euro (4,6 tỷ USD) và giảm sản lượng gần 500.000 xe điện trừ phi Brussels đồng ý trì hoãn việc áp thuế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.
Acea cho biết Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn nhất nếu EU không chấp thuận yêu cầu của Anh trì hoãn việc áp dụng thuế mới sang năm 2027 thay vì năm 2024.
Theo thỏa thuận hợp tác và thương mại hậu Brexit (TCA), từ tháng 1/2024, xe điện vận chuyển giữa Anh và EU phải chịu mức thuế 10%, trừ phi ít nhất 45% giá trị các bộ phận của xe có nguồn gốc từ Anh hoặc EU.
Tuy nhiên, theo Acea, ngành công nghiệp ôtô EU cần thêm thời gian để loại bỏ pin được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản bất chấp nỗ lực xây dựng các nhà máy ở châu Âu.
Theo bà Sigrid de Vries, Tổng Giám đốc Acea, ngành ôtô châu Âu cần thêm thời gian trong bối cảnh ngành này đang tài trợ cho nỗ lực điện khí hóa và tăng tốc xây dựng chuỗi cung ứng châu Âu.
Acea ước tính các công ty có trụ sở tại EU sẽ phải trả 4,3 tỷ euro tiền thuế và mất doanh thu từ năm 2024 đến năm 2027, dẫn đến việc sản xuất giảm khoảng 500.000 xe.
Bà Sigrid de Vries cho biết Anh là thị trường xuất khẩu số 1 của các nhà sản xuất ôtô châu Âu, với 25% số lượng xe điện của châu lục được xuất sang Anh.
Hồi tháng Năm, ông Maros Sefcovic, ủy viên của EU phụ trách quan hệ với Anh, cho biết khối này sẽ không thay đổi vì muốn khuyến khích các nhà sản xuất ôtô đầu tư vào sản xuất pin nội địa.
Tuy nhiên, ông Sefcovic đã yêu cầu Acea gửi bằng chứng về những thiệt hại có thể xảy ra đối với ngành.
Ủy ban châu Âu cho biết "ghi nhận các ước tính của Acea," tuy nhiên bảo vệ các quy định của TCA nhằm “phát triển chuỗi giá trị pin mạnh mẽ và linh hoạt ở EU.”
Bà De Vries chỉ ra rằng Mỹ đã cung cấp các khoản trợ cấp lớn cho các nhà sản xuất xe để sản xuất pin và các mẫu xe điện theo Luật Giảm lạm phát với gói hỗ trợ trị giá 370 tỷ USD, khiến châu Âu trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn.
Các kế hoạch đầu tư ở châu Âu cũng bị cản trở do cuộc xung đột ở Ukraine, làm tăng giá năng lượng và nguyên liệu thô, trong khi các đợt phong tỏa chống dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bà De Vries cho rằng nếu không hoãn áp dụng mức thuế mới, Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất bởi các mẫu xe được sản xuất ở nước này, dù đang phải đóng thuế, nhưng có thể hạ gục các đối thủ EU, nơi có chi phí sản xuất cao hơn trong khi có ít điều kiện tiếp cận với các nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong pin.
Tại Anh, xe do Trung Quốc sản xuất chiếm 1/3 số xe điện được mua vào năm 2022, cao gấp 15 lần so với mức năm 2020.
Stellantis, công ty sở hữu các thương hiệu như Peugeot và Fiat, cho biết có thể sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất xe tải ở Anh nếu thuế quan có hiệu lực vào năm tới.
Tuy nhiên, EU xuất khẩu ôtô sang Anh nhiều hơn so với chiều ngược lại, và do đó sẽ mất nhiều tiền hơn.
Chính phủ Anh đã có các cuộc đàm phán với các đối tác EU, nhấn mạnh việc hoãn đánh thuế mới sẽ có lợi cho cả London và Brussels.
Năm ngoái, Anh bán 47.000 xe điện trị giá 1,2 tỷ euro cho EU, trong khi EU xuất khẩu sang Anh 139.000 xe điện trị giá 5,1 tỷ USD. Khi mức thuế mới được áp dụng vào năm tới, lượng xuất khẩu này sẽ phải chịu khoản thuế tương đương 510 triệu euro.
Tuy nhiên, Acea dự báo xuất khẩu sang Anh sẽ tăng mạnh, do những cam kết về doanh số bán xe không phát thải, sẽ bắt đầu được thực hiện ở Anh vào năm sau.
Theo các mục tiêu đề ra, năm 2024, doanh số bán xe con tại Anh sẽ chiếm 25% tổng doanh thu trong khi tỷ lệ này là 10% đối với xe tải. Tỷ lệ này sẽ tăng mạnh lên lần lượt 52% và 46% vào năm 2028.
Thị phần ôtô của EU tại Anh tăng nhẹ lên khoảng 47% kể từ khi Anh rời EU./.
Minh Hợp (TTXVN/Vietnam+)