Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang liên quan đến khoản tín dụng 60 tỷ euro (65,5 tỷ USD) mà Chính phủ Đức đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ chống dịch COVID-19 sang quỹ chống biến đổi khí hậu, liên minh cầm quyền tại Đức đang tranh cãi làm sao để bù đắp cho khoản thiếu hụt này trong kế hoạch ngân sách liên bang.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đảng Xanh đang kêu gọi thay đổi quy định kiềm chế nợ, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) muốn xem lại chính sách trợ cấp xã hội, còn Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) thì cảnh báo khả năng công cuộc hiện đại hóa tại Đức sẽ bị ngừng lại.
Trong cuộc tranh luận về hậu quả của phán quyết ngân sách của Tòa án Hiến pháp Liên bang, Nghị sỹ Christian Dürr -lãnh đạo nhóm nghị sỹ đảng FDP trong Quốc hội- đã lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm trợ cấp xã hội.
Ông Dürr nói: “Chúng tôi đang phải thảo luận vấn đề nhà nước phúc lợi có thể đóng góp như thế nào cho việc củng cố ngân sách, vì trên thực tế là phải kiếm được tiền thì mới có tiền để chi ra.” Tăng thuế không phải cách làm đúng để kích thích nền kinh tế Đức và giúp nước Đức có khả năng cạnh tranh trở lại.
Tổng Thư ký đảng FDP Bijan Djir-Sarai cũng cho rằng, nhà nước không gặp vấn đề gì về nguồn thu thì không nên tăng thuế và đặt thêm bất cứ gánh nặng nào lên vai người lao động.
Trong khi đó, Đảng Xanh lên tiếng phản đối việc cắt giảm xã hội và yêu cầu thay đổi quy định kiểm soát nợ. Nghị sỹ Katharina Dröge, lãnh đạo nhóm Đảng Xanh ở nghị viện cho biết: “Đảng Xanh đã vận động trong nhiều năm để cải cách quy định kiểm soát nợ, vì chúng không hợp lý về mặt kinh tế.”
Trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag ngày 11/3, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng ngân sách quốc phòng của nước này cần tăng "trong những năm tới."
Quy định kiểm soát nợ khiến các khoản đầu tư cần thiết bị chậm lại, thậm chí có thể trở thành gánh nặng đối với Đức nếu nước này muốn duy trì vị thế là một địa điểm kinh doanh hấp dẫn. Theo Đảng Xanh, quy định này không đủ linh hoạt để hỗ trợ đúng cách cho người dân và doanh nghiệp, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.
Việc kiềm chế nợ được quy định trong Luật Cơ bản, theo đó ngân sách của chính phủ liên bang và tiểu bang nói chung phải được cân bằng kể cả không tính đến nguồn thu từ các khoản vay.
Quy định này cho phép có ngoại lệ trong trường hợp xảy ra thiên tai hay các tình huống khẩn cấp đặc biệt, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine.
Quy định kiềm chế nợ đã được tranh luận trong vài ngày qua trên chính trường Đức, sau khi Toà án Hiến pháp Liên bang ra phán quyết rằng việc chính phủ chuyển khoản tín dụng 60 tỷ euro dành chống dịch COVID-19 sang quỹ khí hậu là vi hiến. Điều này đã khiến kế hoạch tài chính của chính phủ liên bang thiếu hụt khoản 60 tỷ euro này.
Lãnh đạo Đảng Xanh Ricarda Lang đã lên tiếng cảnh báo rằng Đức sẽ bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Bà nói, tiết kiệm cho các vấn đề xã hội nói riêng không phải là một ý tưởng hay vì chính phủ cũng phải duy trì sự gắn kết xã hội.
Còn lãnh đạo Đảng SPD Lars Klingbeil cho rằng, không nên để cho phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang làm chậm chễ quá trình hiện đại hóa ở Đức vì hiện đại hoá đồng nghĩa với tạo thêm việc làm và đảm bảo rằng nước Đức vẫn là một địa điểm kinh doanh vững mạnh./.
(TTXVN/Vietnam+)