Người lính “quân hàm xanh” vững vàng nơi tiền đồn Tây Nam Tổ quốc

Nguyễn Ánh Hiền
Cùng với việc giữ vững biên cương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển Tây Nam.

ttxvn-2003bienphong1-1679295934.jpg

Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) tuần tra, kiểm soát trên vùng cửa biển Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đã hơn 5 năm kể từ ngày 23/10/2017, khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan xác định rõ nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng,” vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, bảo đảm lợi ích của người dân, của quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Cà Mau, Kiên Giang đã và đang tập trung cho giai đoạn cao điểm “180 ngày” (đến cuối tháng 5/2023), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống vi phạm IUU trên địa bàn.

Cà Mau-Kiên Giang: Ngư trường trọng điểm

Cà Mau-Kiên Giang được biết đến là một trong 4 ngư trường trọng điểm của nước ta bởi đây là khu vực có các dòng hải lưu mang theo nhiều sinh vật phù du, kéo theo nguồn hải sản dồi dào bậc nhất.

Thềm lục địa khu vực này khá nông, có nhiều loài thủy hải sản giá trị kinh tế cao, điều kiện khí hậu thủy văn ổn định, cùng với nhiều cửa sông và bãi triều… tạo điều kiện lý tưởng cho ngư dân đánh bắt hải sản.

Kiên Giang có đội tàu cá lớn nhất cả nước với 9.775 tàu, gồm 4.371 tàu dài 6-12m, 1.545 tàu dài 12-15m, 3.857 tàu dài từ 15m trở lên.

Cùng với đội tàu Kiên Giang, Cà Mau, nhiều tàu đánh bắt từ các tỉnh Nam Trung Bộ, Bến Tre, Sóc Trăng cũng tập trung về đánh bắt tại ngư trường Cà Mau-Kiên Giang.

Với truyền thống tương trợ, ngư dân Kiên Giang, Cà Mau thường xuyên hỗ trợ nhau trong đánh bắt, hợp tác đánh bắt xa bờ, đặc biệt là trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng đặc quyền kinh tế.

Ngư dân Đoàn Quốc Lượm, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), cho biết trong quá trình vươn khơi, ngư dân luôn ý thức giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ, vượt qua khó khăn, sóng gió.

Gắn bó với ngư trường nhiều năm, đa số ngư dân Cà Mau chấp hành tốt các quy định của Nhà nước cũng như của địa phương. Hầu hết bà con cơ bản hiểu được tác hại cảnh báo “thẻ vàng” của EC nên đã thực hiện tốt trách nhiệm của chủ tàu trong khai thác hải sản như: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đăng kiểm, xin cấp giấy phép khai thác cho tàu đánh bắt xa bờ…

ttxvn-2003bienphong2-1679295963.jpg

Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Rạch Gốc (Cà Mau) kiểm tra giấy tờ theo quy định đối với chủ tàu cá. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cuối năm 2022, chính quyền tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có chuyến công tác trên biển, thực hiện kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên vùng ngư trường Cà Mau-Kiên Giang.

Qua đó, thăm hỏi, động viên, tặng cờ Tổ quốc và kêu gọi ngư dân thực hiện tốt Luật Thủy sản, chống khai thác IUU. Trực tiếp gặp gỡ bà con, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đã chia sẻ, động viên ngư dân bám biển, đồng thời kêu gọi bà con chấp hành nghiêm các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU, không vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Đại tá Huỳnh Văn Đông thông tin, đa số bà con thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận ngư dân ý thức chưa cao trong việc chấp hành khai thác hải sản đúng theo luật định.

Một số trường hợp vi phạm khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài, bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý. Do vậy, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm 180 ngày (đến cuối tháng 5/2023), kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm IUU, là cần thiết.

Phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, việc thực hiện các nhiệm vụ để đạt được mục đích chống vi phạm IUU cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng các lực lượng chức năng từ đất liền đến trên biển.

Trong số đó, Bộ đội Biên phòng đóng vai trò nòng cốt, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm 180 ngày theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lực lượng làm nhiệm vụ quản lý biên giới những vùng ven biển tập trung đông tàu ghe hoạt động liên tục.

ttxvn-2003bienphong3-1679295993.jpg

Cán bộ, chiến sỹ trạm kiểm soát Biên phòng Pháo Đài, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) kiểm tra giấy tờ tàu cá nhập bến. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thực tế, Bộ đội Biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền trên địa bàn quản lý và hỗ trợ chính quyền kiểm tra, kiểm soát tàu cá, ngư dân tại địa phương.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các Trạm Kiểm soát Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; chú trọng kiểm tra tình trạng niêm phong kẹp chì thiết bị giám sát hành trình, trạng thái kết nối của thiết bị; kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình.

Qua triển khai đồng bộ các biện pháp, tình trạng tàu cá mất kết nối đã giảm đáng kể. Với các tàu cá mất kết nối trên 10 ngày, lực lượng chức năng sẽ điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định.

Đứng chân nơi cuối trời Nam của Tổ quốc, Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) quản lý địa bàn ba mặt giáp biển thuộc huyện Ngọc Hiển. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Gốc Lê Thành Út chia sẻ, ngay từ khi có chủ trương từ cấp trên, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch cao điểm phòng, chống vi phạm IUU.

Đơn vị duy trì chế độ trực 24/24 giờ, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu ghe ra vào; bảo đảm 100% tàu cá dài trên 15m có lắp đặt phương tiện giám sát hành trình, khi ra biển hoạt động phải có biên bản xác nhận rời cảng của cảng cá Rạch Gốc, có đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Khi về bờ phải có nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc khai thác mới được cập bến.

Tại vùng cửa biển sông Cái Lớn, chính quyền xã Tây Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) tích cực phối hợp với Đồn Biên phòng Tây Yên trong công tác phòng, chống vi phạm IUU.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tây Yên Trần Văn Tuấn cho biết chính quyền xã cùng với cán bộ, chiến sỹ biên phòng, các hội, đoàn thể trong xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối tuân thủ quy định khai thác thủy hải sản.

Những ngư dân gặp khó khăn đều được chính quyền và bộ đội biên phòng chung tay hỗ trợ, giúp bà con yên tâm từng bước ổn định cuộc sống, vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Trong giai đoạn cao điểm 180 ngày, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển và chống vi phạm IUU.

Bên cạnh đó, tích cực tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng và Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động ngoài khơi, ngăn chặn tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định.

Công tác tuyên truyền giữ vai trò trọng tâm trong suốt quá trình phòng, chống vi phạm IUU thời gian qua cũng như giai đoạn cao điểm 180 ngày.

Với các hình thức đa dạng, triển khai sâu rộng trong nhân dân, công tác tuyên truyền bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu sớm gỡ “thẻ vàng" IUU./.

Bài 1: Giữ vững biên cương

Đón đọc bài 3: Thẻ vàng IUU - gỡ từ ý thức

Bài 4: Xây chắc nền biên phòng toàn dân