Nhiều chất có khả năng gây ung thư trong thuốc lá điện tử
Bác sĩ Vũ Văn Hoài, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, số người dùng thuốc lá điện tử dẫn đến bị rối loạn tâm thần, hành vi đến mức phải nhập viện gia tăng. Mới đây, Viện đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân NTX (27 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) vì hút thuốc lá điện tử quá nhiều, có các hành vi bất thường. Theo chia sẻ của gia đình, X bắt đầu hút thuốc lá điện tử từ 8 năm trước. Càng ngày X càng hút nhiều hơn, cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái mơ màng, mệt mỏi, đờ đẫn. Mẹ của X phát hiện con gái hay nói chuyện không liên quan, khi mọi người gọi hay nói chuyện thì không tập trung hoặc trả lời chậm. Gia đình đã đưa X đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần và bác sĩ chẩn đoán X bị rối loạn tâm thần, hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử.
Còn TVN (27 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã điều trị tại Viện được gần một tuần. N chia sẻ, cậu sử dụng thuốc lá điện tử khoảng gần 3 năm vì căng thẳng, stress với công việc. Trong thời gian đầu sử dụng, N thấy đầy năng lượng, bớt căng thẳng, công việc xử lý tốt hơn. Nhưng sau 2 năm sử dụng thuốc lá điện tử, N luôn bứt rứt trong người, căng thẳng hơn, làm việc kém hiệu quả... Khi thấy N có những dấu hiệu bất thường, gia đình đã đưa em đến bệnh viện. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện có tinh chất cần sa pha trộn trong tinh dầu của thuốc lá điện tử mà N sử dụng. Đây là nguyên nhân gây ra cảm giác hoang tưởng, ảo giác ở N. Bác sĩ Vũ Văn Hoài cho biết: “Về lâu dài, những người sử dụng tinh dầu cần sa có thể có biểu hiện khởi phát của bệnh tâm thần phân liệt. Hiện sức khỏe bệnh nhân N đã ổn, tuy nhiên tinh thần vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo, trong cách nói chuyện của bệnh nhân thỉnh thoảng vẫn nói nhiều câu vô nghĩa”.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần): Thuốc lá điện tử chủ yếu chứa nicotine và một số chất khác. Trong buồng đệm chứa dịch (glycerin, propylene, các chất dẫn), chất tạo hương vị, chất dẫn, và trong một số loại có pha ma túy tổng hợp. Thuốc lá điện tử gây tác hại trực tiếp đến người dùng do hít phải hơi. Trong đó nicotine có thể gây phụ thuộc về mặt tâm thần. Glycerin có thể gây viêm phổi. Các chất dẫn khác nhau chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư.
Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử không chỉ tác động lên sức khỏe tâm thần mà còn gây tổn thương các lớp lót bên trong của mạch máu, làm tích tụ các mảng bám trong lòng động mạch, gây ra các bệnh như tắc động mạch, động mạch vành và xơ vữa động mạch. Hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân. Những dấu hiệu này rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, suy hô hấp.
Rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử có thể điều trị được
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Vũ Văn Hoài cho biết, có những học sinh chỉ mới 13 tuổi nhưng sử dụng thuốc lá điện tử 2 năm và cũng đã dùng cần sa. Các bác sĩ khuyến cáo với các bậc phụ huynh, não của lứa tuổi từ 10 đến 15 chưa hoàn thiện nên khó kiểm soát cảm xúc. Khi vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Do đó, nghiện thuốc lá điện tử là con đường dẫn đến nghiện các chất gây nghiện khác rất nhanh.
Một vấn đề rất được nhiều người quan tâm là việc điều trị rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử. Bác sĩ Trịnh Thanh Hương, Viện Sức khỏe tâm thần khẳng định căn bệnh này điều trị được. Ở Viện Sức khỏe tâm thần, nhiều ca bệnh đã được điều trị thành công. Tuy nhiên, do đặc điểm của bệnh tâm thần nên ngoài thuốc còn phải được điều trị về tâm lý. Vì thế, nhiều bệnh nhân, thời gian điều trị tâm lý nhiều hơn điều trị thuốc. Bởi hầu hết những người sử dụng thuốc lá điện tử đều có nguyên nhân do áp lực công việc, thất vọng trong tình cảm riêng tư.
Theo tư vấn của bác sĩ Trịnh Thanh Hương, việc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử rất cần có sự hỗ trợ từ gia đình, để bệnh nhân mở lòng chia sẻ với gia đình về những vấn đề mà họ gặp phải trong công việc và tình cảm. “Việc sử dụng thuốc lá điện tử chỉ là cách bệnh nhân khỏa lấp và muốn quên đi những cảm xúc mệt mỏi trong cuộc sống, công việc. Vì thế, cần thay đổi suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của họ, để khi họ không còn cảm thấy stress thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá điện tử”, bác sĩ Trịnh Thanh Hương tư vấn.