OPEC+ gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu trong quý II, Đức có bị ảnh hưởng?

Tran Huy
(Tapchivietduc.vn) - Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cũng như tranh cãi về quyết định hoãn phê duyệt xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Hoa Kỳ khiến EU đứng trước nguy cơ thiếu hụt khí đốt. Mới đây, thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC+) gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu trong quý II/2024 khiến tình hình trên trở nên ngày càng nghiêm trọng.

OPEC+ gia hạn cắt giảm bổ sung 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý II (Nguồn: Offshore Technology)

Kể từ thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào lãnh thổ Ukraine, hàng loạt quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) đã ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Moscow, đồng thời áp nhiều lệnh trừng phạt kinh tế, thương mại nhắm vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Đáp trả động thái trên, phía Nga không ngần ngại tạm ngưng vô thời hạn việc cung cấp khí đốt cho EU, bất chấp hoạt động thương mại vẫn diễn ra suốt hàng thập kỷ qua.

Thực tế đã chỉ ra, kể từ khi “cạch mặt” nhà cung ứng hàng đầu, tình hình khủng hoảng khí đốt ở châu Âu chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm các đối tác xuất khẩu khác, điển hình như Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc vực Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi là phương hướng được Ủy ban chú trọng. Nhu cầu lấp đầy các kho dự trữ cũng như sưởi ấm vào mùa đông khiến sản lượng khí hóa lỏng Hoa Kỳ nhập khẩu vào châu Âu tăng hơn 60% kể từ năm 2022.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc khí đốt khiến một số quốc gia thuộc khối liên minh lo lắng về động thái hoãn phê duyệt xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng vào đầu năm nay của Washington, D.C. Lý do được phía chính quyền Biden - Harris đưa ra là để đánh giá lại các tiêu chí về khí hậu cũng như mối đe dọa từ những dự án cung ứng năng lượng khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 ở quốc gia này đang rất gần.

Mặc dù phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu khẳng định, quyết định tạm hoãn không ảnh hưởng những dự án được phê duyệt trước đó. Đồng thời, không gây ra bất cứ tác động ngắn hạn hoặc trung hạn nào đến an ninh khí đốt khu vực, nhưng dư luận có quyền quan ngại khi mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC+) tuyên bố sẽ gia hạn việc cắt giảm nguồn cung dầu trong quý II/2024 để ổn định thị trường.

Cụ thể, theo thông tin OPEC+ đăng tải ngày 3/3, Ả Rập Saudi tự nguyện giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi với Iraq con số này là 220 nghìn thùng; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là 163 nghìn thùng; Kuwait là 135 nghìn thùng; Kazakhstan là 82 nghìn thùng; Algeria là 51 nghìn thùng và Oman là 42 nghìn thùng. Ước tính tổng sản lượng dầu cắt giảm có thể lên đến 2,2 triệu thùng/ngày.

Cũng theo OPEC+, trước khi thông báo cắt giảm được đưa ra, Nga đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm 471 nghìn thùng dầu/ngày trong cùng kỳ quý II/2024. Hiện nay, OPEC+ có 13 thành viên là Iraq, Iran, Angola, Algeria, Nigeria, Libya, Gabon, Kuwait, Saudi Arabia, UAE, Venezuela, Congo, Cộng hòa Equatorial Guinea. Mặc dù không phải là quốc gia thuộc OPEC+ nhưng Nga vẫn đang phối hợp điều tiết sản lượng dầu với tổ chức kể từ năm 2016.

Theo đánh giá bởi các chuyên gia, quyết định cắt giảm là cần thiết để cân bằng thị trường khi sản lượng dầu cung ứng từ đối thủ, đặc biệt là các công ty khai thác phía Hoa Kỳ ngày càng tăng vọt. Đồng thời, điều này cũng nhằm hỗ trợ thêm cho giá dầu đang có nhiều biến động vì bất ổn kinh tế và vấn đề căng thẳng chính trị.

Để hạn chế một số lệnh trừng phạt do liên minh đưa ra, Đức chủ yếu nhập khẩu dầu từ Nga thông qua một số quốc gia trung gian như Kazakhstan, Ấn Độ,… Trong đó, lượng dầu đi từ các đường ống Nga sang Ấn Độ, rồi chuyển đến Berlin tăng hơn 10 lần trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù nhập khẩu trung gian giúp nhiều quốc gia, bao gồm cả Đức đảm bảo nguồn cung và hạn chế một phần lệnh cấm, tuy nhiên, trước động thái cắt giảm mới đây của Nga cũng như hàng loạt quốc gia Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi (thuộc OPEC+), Đức và các đồng minh liệu đã có biện pháp ứng phó?

Huỳnh Kha