PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Liều thuốc nào cho nạn ăn theo xăng dầu tăng giá?

Vũ Xuân Kiên

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra liều thuốc cho nạn ăn theo xăng dầu tăng giá và không chịu giảm giá khi giá xăng dầu đã giảm.

Người dân đổ xăng tại cây xăng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Thưa ông, giá xăng điều chỉnh giảm nhưng giá cả hàng hóa vẫn chưa giảm, đâu là nguyên nhân thưa ông?

Sau 7 lần tăng liên tiếp kể từ cuối tháng 4/2022, trong kỳ điều hành ngày 1/7 và 11/7 vừa qua, giá xăng dầu mới có sự điều chỉnh giảm. Trong đó, kỳ gần đây nhất (ngày 11/7), giá xăng dầu mới có sự điều chỉnh giảm sâu. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON95-II giảm 3.088 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 3.022 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 2.010 đồng/kg.

Vì sao giá xăng điều chỉnh giảm mà giá cả hàng hóa vẫn không có động thái điều chỉnh giảm? Theo tôi, giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/lần, việc điều chỉnh lên xuống này là theo giá thị trường. Trong 2 lần điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ không điều chỉnh ngay giá cả hàng hóa giảm theo mức giá xăng mà họ căn cứ theo xu hướng giá chung.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, giá của nhiều loại hàng hóa điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu chỉ là một phần trong những yếu tố tác động lên giá thành hàng hóa. Các yếu tố khác có thể kể đến như giá nguyên vật liệu đầu vào, giá sắt thép, giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón… đều tăng. Do đó, giá cả hàng hóa trong thời gian qua có xu hướng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào (trong đó có giá xăng) và họ hạch toán dần dần vào chi phí sản xuất.

Cũng phải khẳng định, việc điều chỉnh tăng hay giảm giá hàng hóa không thể thực hiện trong “một chốc, một lát”. Bởi thực tế giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh tăng giá dần dần và khi giá ra đến thị trường sẽ mất một khoảng thời gian nhất định.

Với giá xăng dầu hiện nay lúc tăng, lúc giảm. Tuy nhiên, phản ánh từ sự thay đổi của giá xăng dầu phải vào giá các vật tư nhiên liệu hàng hóa khác, sau đó mới ra được giá hàng hóa bán trên thị trường. Việc này phải có thời gian. Vì vậy, mức giảm giá xăng dầu lần này chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể giá xăng dầu phải giảm từ 1-2 tháng thì khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế (tùy ngành nghề). Các chi phí sản xuất khác tăng nữa thì mới thành vấn đề. Do đó, tôi xin nhắc lại, sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo một kỳ điều hành xăng dầu).

Cũng phải khẳng định, thời gian gần đây một số vật tư nhiên liệu đã xuống giá. Việc này cũng hi vọng sẽ tác động đến giá của các loại hàng hóa có thể giảm trong thời gian tới.

Liệu có tình trạng cố tình “té nước theo mưa” không thưa ông?

Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều lần, khi giá xăng dầu giảm, báo chí và người dân có kêu ca nhưng phải 2-3 tháng sau mới có sự dịch chuyển. Việc này cũng là bình thường. Bởi nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể thu được lợi nhuận càng nhiều càng tốt và rõ ràng họ cũng muốn lợi dụng lúc này để giữ giá.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có các khung pháp lý và các biện pháp quản lý tốt thì việc lên xuống giá cả hàng hóa sẽ đi theo sự lên xuống của thị trường.

Ở đây, tôi cho rằng, tiếng nói của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng. Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mới có thể tính toán, xác định chính xác tỉ lệ tăng - giảm giá hàng hóa của thị trường theo sự tăng - giảm giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải là người kiểm tra giám sát mức độ tăng giá hàng hóa của từng lĩnh vực, từ đó, xác định đầu vào sản xuất của doanh nghiệp tăng lên bao nhiêu, xác định giá thành sản xuất cũng như mức giá bán cho phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Trở lại về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông đánh giá như thế nào về công cụ này?

Trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu với lý do giá xăng dầu trong nước đã theo sát giá thế giới. Tôi cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một công cụ rất quan trọng và không thể thiếu lúc này.

Bởi lẽ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược và thị trường xăng dầu vẫn do Nhà nước quản lý. Như vậy, rõ ràng chúng ta cần công cụ để Nhà nước có thể điều phối giá xăng dầu. Và công cụ đó hiện nay chỉ còn có mỗi Quỹ bình ổn giá xăng dầu bên cạnh đó là công cụ định giá (theo quy định 10 ngày chúng ta sẽ định giá một lần).

Vấn đề thứ hai, đó là mức trích Quỹ bình ổn giá xăng không quá cao, chưa kể khi giá xăng dầu tăng cao, Nhà nước không yêu cầu doanh nghiệp trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu mà khi đó sẽ xả Quỹ để khống chế giá.

Việc này cực kỳ quan trọng, bởi khi khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ giúp nền kinh tế tránh được những cú sốc về giá cũng như tạo ra sự linh hoạt cho hoạt động quản lý xăng dầu.

Tôi được biết, tại Hoa Kỳ, họ có quỹ dự trữ xăng dầu rất lớn, khi cần hạ giá thì họ xả quỹ trong một khoảng thời gian nào đó nhằm kéo giá xăng dầu xuống.

Việc xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ được tính đến khi chúng ta có một thị trường xăng dầu hoạt động theo kinh tế thị trường thực thụ và Nhà nước có các công cụ khác để điều chỉnh hoạt động giá cả của thị trường xăng dầu như các nước phát triển. Tuy nhiên, đây là việc về lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 18/7, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến như sau: xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg. Mức giá này được điều chỉnh lúc 0 giờ ngày 11/7 và về gần bằng giá vào giữa tháng 4 năm nay. Đây là lần giảm thứ hai của mặt hàng xăng sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay (hơn 3.000 đồng/lít). Với những diễn biến của giá xăng dầu thế giới, các chuyên gia dự báo, tại kỳ điều chỉnh giá tới (21/7), giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm.

Nguyễn Hạnh (theo Công Thương)