Phục hồi tăng trưởng ngành dệt may

Vũ Xuân Kiên
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng qua đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù xuất khẩu giảm, nhưng tình hình đang được cải thiện khi đà giảm đã thu hẹp còn 14% so với hơn 20% trong những tháng đầu năm. Muốn tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp nhằm tối ưu hóa sản xuất, tích cực áp dụng công nghệ và chuyển sang “sản xuất xanh” để gia tăng thị phần tại các thị trường lớn.

Do tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho cao,... Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, doanh nghiệp còn phải đối diện khó khăn khi đơn giá giảm sâu, dòng tài chính đang dần cạn kiệt,...

Đầu chiều sâu, nâng cao chất lượng

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ Nguyễn Văn Hải, những tháng đầu năm 2023, ngành dệt may tiếp tục đối diện nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, bị chèn ép về giá, thậm chí có đơn hàng bị giảm giá tới 50-60% so với trước, khiến hiệu quả hoạt động của đơn vị không đạt như kỳ vọng. Với sự nỗ lực, đồng lòng của tập thể cán bộ, người lao động trong việc linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm thích ứng thị trường đã giúp đơn vị từng bước vượt khó, phấn đấu tổng doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay.

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến Bùi Văn Tiến nhận định, tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn cho nên việc giữ ổn định lao động, thị trường, khách hàng, bảo đảm việc làm, duy trì hoạt động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Tiến cũng đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 8.030 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động 11,5 triệu đồng/người.

Muốn hoàn thành mục tiêu nêu trên, đơn vị sẽ thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, sắp xếp và tái cấu trúc mô hình quản lý của tổng công ty, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính nhằm bảo đảm dòng tiền cho hoạt động trong toàn hệ thống. Đơn vị cũng tăng cường đầu tư chiều sâu về thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng và đối tượng khách hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính quý II năm 2023 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), doanh thu thuần của tập đoàn đạt gần 3.910 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm khoảng 200 tỷ đồng, đạt 3.706 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 203 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinatex quay về mức 8.119 tỷ đồng, giảm 15,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng, bằng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

vt-8890-1691543582.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến.

Đánh giá về tín hiệu thị trường, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định, năm 2023, tăng trưởng của thế giới thấp hơn năm 2022, sức mua tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy giảm, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn dẫn đến hoạt động của ngành trong bảy tháng qua khá trầm lắng.

Để hoàn thành mục tiêu doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 610 tỷ đồng vào cuối năm, các đơn vị phải bám sát diễn biến thị trường, có biện pháp phù hợp thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời, hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng vận hành cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số cho quản trị sản xuất, nhân sự, tài chính kế toán,...

Tăng cường các chính sách hỗ trợ

Tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ xấp xỉ 2%). Ngành dệt may theo đó cũng chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Bảy tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ dần phục hồi nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài đến hết năm.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV. Không chỉ thiếu đơn hàng, doanh nghiệp còn buộc phải chấp nhận những đơn hàng không phải thế mạnh, thậm chí bị ép giá, có những đơn hàng giảm giá tới 50-60% so với trước. Hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính đều sụt giảm mạnh như Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Canada giảm 10,9%, Trung Quốc giảm 23%,...

Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023). Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, cho nên lãi suất vay hiện vẫn ở mức cao, doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ,...

Trước những khó khăn nêu trên, Vitas đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39-40 tỷ USD vào cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng ba vấn đề cốt lõi như tìm giải pháp giữ chân người lao động, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và khách hàng không chuyển đi nơi khác,... giảm tối đa các chi phí chưa thật sự cần thiết của doanh nghiệp.

Để phục hồi lại năng lực sản xuất, xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ toàn diện như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng; xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, bền vững như các gói hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh.

Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dệt may, tăng tính liên kết để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi, minh bạch hóa các khâu nhằm phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nhà mua hàng.