Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: 50 năm nhìn lại và tầm nhìn phát triển mới

Vũ Xuân Kiên
Ông Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng với nền tảng là hai người bạn đồng hành, đồng khát vọng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và sâu sắc hơn.
nguyen-xuan-thang-1705568660.jpg
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 18/1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: "Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: 50 năm nhìn lại và tầm nhìn, định hướng phát triển mới."

Đây là sự kiện có rất nhiều ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động phong phú, sôi nổi kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Dự và phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản có bề dày lịch sử lâu đời, được xây dựng trên nền tảng của sự tương đồng văn hóa, lịch sử và sự đồng cảm của hai dân tộc, với nhiều dấu ấn đậm nét.

Dẫn lời nhà cách mạng, người chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu: Việt Nam và Nhật Bản là hai nước "đồng văn, đồng chủng, đồng châu," Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định đây là nền tảng vững bền, không gì có thể thay đổi được, làm nên sự đồng cảm, đồng tâm, sự sẻ chia và tình hữu nghị hết mực gần gũi giữa nhân dân hai nước, từ trong quá khứ cho đến hiện tại và tương lai.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, nhìn lại chặng đường 50 năm qua, mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là minh chứng hết sức sinh động về những nỗ lực bền bỉ, kiên trì, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai phá mở đường để xây dựng một hình mẫu quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước: với lợi ích ngày càng tương đồng; lĩnh vực hợp tác ngày càng toàn diện; lòng tin chiến lược ngày càng sâu sắc.

Từ Hiệp định Đầu tư được ký kết vào năm 2003, chỉ 5 năm sau, hai nước đã nâng lên thành Hiệp định Đối tác Kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2009, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam; cũng chỉ 5 năm sau, quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên "Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á."

Đặc biệt, tháng 11/2023, hai nước đã ra tuyên bố chung về xác lập quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới," mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ở một tầm cao mà ít người có thể hình dung vào thời điểm 50 năm về trước.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng từ hai nước gần gũi, có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, vượt qua nhiều trở ngại để trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện của nhau và ngày nay, đã thật sự trở thành hai người bạn đồng hành, đồng khát vọng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và sâu sắc hơn.

dai-su-nhat-1705568659.jpg
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng yếu tố làm cho quan hệ Nhật Bản và Việt Nam gắn bó ngày càng mật thiết như hiện nay là nhờ quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cụ thể là "sự đồng cảm và chia sẻ" được hình thành từ lịch sử lâu đời và sự gắn kết về mặt văn hóa giữa hai nước. Đây là tài sản quý báu nhất khi nhắc đến quan hệ Nhật Bản-Việt Nam.

Đại sứ nhấn mạnh quan hệ hai nước ngày càng gắn bó mật thiết nhanh chóng, được cho là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay, và việc giữ gìn, làm sâu sắc hơn nữa sự gắn kết này là nền tảng vững chắc để xây dựng quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức thông qua hai phiên làm việc với 10 tham luận được trình bày trực tiếp và trực tuyến, cùng nhiều ý kiến phát biểu thảo luận và tọa đàm bàn tròn với 3 nhóm nội dung chính: Bối cảnh mới tác động đến quan hệ Việt Nam-Nhật Bản; quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh chiến lược và các cơ chế đa phương; quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác.

Với sự trao đổi, tham gia thảo luận tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản 50 năm qua, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp thiết thực để hiện thực hóa tầm nhìn và định hướng phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian tới./.