Hiện nay cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, khu vực vô cùng nghiêm trọng và diễn biến khó lường. Những biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu của từng quốc gia. Để đối phó với tình trạng này, mỗi quốc gia có cách thức, giải pháp quản lý và điều hành thị trường xăng dầu khác nhau.
Giá dầu thô ngày 10/10/2021 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2021 cụ thể như sau: 88,156 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 7,13% so với kỳ trước); xăng RON95 (tăng 6,025 USD/thùng, tương đương tăng 7,15% so với kỳ trước); dầu diesel 0.05S (tăng 8,269 USD/thùng, tương đương tăng 10,40% so với kỳ trước); dầu hỏa (tăng 8,240 USD/thùng, tương đương tăng 10,33% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 21,654 USD/tấn, tương đương tăng 4,60% so với kỳ trước).
Những yếu tố tác động đến thị trường xăng dầu
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, nền kinh tế, đời sống xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Sự biến động về giá cả mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kịch bản điều hành và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ngành công nghiệp chiến lược này chịu tác động mạnh bởi các yếu tố kinh tế chính trị thế giới như: tăng trưởng kinh tế, thị trường tài chính, thị trường vốn; an ninh, an toàn, thiên tai, thời tiết; các yếu tố về môi trường, địa chính trị...
Ngoài ra, các rủi ro tiềm ẩn của ngành này còn xuất phát từ các yếu tố đặc trưng của dự án như: cần vốn đầu tư lớn để thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, phân phối; tỷ lệ dự án thăm dò không thành công cao; thời gian đầu tư dài nên tiềm ẩn các yếu tố bất định ảnh hưởng tới hiệu quả, tiến độ, chi phí... của dự án đầu tư.
Năm yếu tố chính tác động đến thị trường xăng dầu, gồm:
Thứ nhất: Yếu tố địa chính trị. Đây là yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường xăng dầu. Tình hình bất ổn tại các điểm nóng địa chính (như Trung Đông, Venezuela), chiến tranh, xung đột (như Nga – Ukraine, Mỹ - Trung), khủng bố, bạo động chính trị, xung đột sắc tộc, các tranh chấp về lãnh thổ hoặc đảo... có thể gây ra thiệt hại, trì hoãn, gián đoạn hoặc ngừng hoạt động xăng dầu.
Thứ hai: Tình hình chính trị. Các doanh nghiệp dầu khí trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các luật, quy định liên quan đến địa điểm, thời gian, phương thức khai thác dầu khí và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, mỗi quốc gia sẽ có luật hay quy định riêng, do đó nếu các doanh nghiệp xăng dầu có nhiều dự án khai thác ở nước ngoài, nguy cơ gặp rủi ro chính trị cũng lớn hơn. Các chiến lược, các chính sách đặc biệt là chính sách về năng lượng, kinh tế, ngoại giao của các quốc gia đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp dầu khí. Điển hình như Trung Quốc vẫn kiên định chiến lược “zero-Covid” hay việc ban bố các lệnh cấm vận và dừng nhập khẩu dầu từ Nga liên quan đến xung đột đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xăng dầu.
Thứ ba: Năng lực triển khai dự án dầu khí. Điều kiện triển khai các dự án dầu khí ngày càng khó khăn do yếu tố địa hình cùng như gặp phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp dầu khí khác. Không dự án dầu khí nào giống dự án trước đó và thời gian thực hiện kéo dài, phải đối mặt với nhiều thách thức mới nên có tỷ lệ thất bại cao. Do đó, yếu kém trong triển khai nên nhiều dự án dầu khí thất bại: vượt ngân sách, chậm tiến độ, gặp khó khăn về vận hành sau khởi động dự án; thiếu nhân sự chất lượng cao về hóa dầu và quản lý vận hành tối ưu; yêu cầu chất lượng sản phẩm (đáp ứng theo quy định mới về môi trường); bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu...
Thứ tư: Giá cả. Đây là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất. Biến động của giá dầu ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty dầu khí về doanh thu, lợi nhuận và việc đầu tư các dự án mới... Ngoài yếu tố cung cầu, biến động giá dầu do các yếu tố phi thị trường không thể dự đoán được như yếu tố địa chính trị, các trò chơi quyền lực toàn cầu, chiến lược phát triển của các công ty dầu khí lớn, trong khi đó lại không thể tăng công suất trong thời gian ngắn khi giá sản phẩm tăng hoặc không thể loại bỏ dự án khi giá giảm (đầu tư dự án dầu khí với số vốn lớn và thời gian dài).
Thứ năm: Tài chính. Gồm tỷ giá và lãi suất. Sự trao đổi thương mại bằng các đồng tiền khác nhau hoặc vay nợ bằng ngoại tệ nên tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp dầu khí...; Các dự án dầu khí đòi hỏi nguồn vốn lớn nên rủi ro về huy động vốn đối với doanh nghiệp cũng rất lớn. Các dự án dầu khí có quy mô lớn thường do ngân hàng quốc tế uy tín hoặc các ngân hàng thương mại trong nước hợp vốn cho vay. Do vậy, khi lãi suất biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí đầu tư dự án. Ngoài ra, chi phí thăm dò, khai thác biến động theo giá dầu, lãi vay... cũng là mối lo ngại hàng đầu đối với doanh nghiệp liên quan nhiều tới chi phí kinh doanh xăng dầu.
Kinh nghiệm quốc tế
Khu vực Đông Nam Á
Tại Đông Nam Á, các tập đoàn Petronas (Malaysia), PTT (Thái Lan), Pertamina (Indonesia) có đặc điểm quản lý hoạt động tương đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cả 3 doanh nghiệp này xây dựng và áp dụng hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Công tác quản trị rủi ro đang áp dụng tại các doanh nghiệp này, gồm: mô hình quản trị rủi ro; cấu trúc tổ chức quản trị rủi ro; trách nhiệm của mỗi bộ phận.
Đối với Petronas thuộc sở hữu của Chính phủ Malaysia (Petro-liam Nasional Bhd), có trên 100 công ty con và khoảng 40 công ty liên doanh, hoạt động kinh doanh gồm thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, sản xuất điện, kinh doanh khí... Petronas áp dụng mô hình quản trị rủi ro bán tập trung và áp dụng nguyên tắc “3 vòng bảo vệ”, chức năng nhiệm vụ mỗi vòng được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế. Công tác tổ chức quản lý rủi ro tại Công ty mẹ rất gọn nhẹ do tại các đơn vị thành viên cũng đã xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.
Petronas nhấn mạnh hoạt động kinh doanh bền vững và thành công xuyên suốt từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên. Petronas xây dựng chính sách quản lý rủi ro theo thông lệ tốt từ nhận diện, đánh giá, quản lý và giám sát các rủi ro, cũng như việc ứng phó hiệu quả với khủng hoảng. Petronas xây dựng phương án ứng phó với trường hợp gián đoạn kinh doanh kéo dài, khi điều đó xảy ra sẽ áp dụng để đảm bảo tính liên tục đối với các hoạt động kinh doanh chính của Petronas. Các nhóm rủi ro chính thường xuyên được Petronas rà soát lại, giám sát và liên tục cải tiến gồm: rủi ro an toàn và môi trường; rủi ro hoạt động; rủi ro địa chính trị; rủi ro thương mại; rủi ro logistics; rủi ro tài chính: rủi ro tín dụng, thanh khoản, thị trường.
Đối với PTT, doanh nghiệp thuộc sự quản lý và kiểm soát của Bộ Năng lượng Thái Lan, coi quản lý rủi ro là yếu tố quan trọng nhất trong các hoạt động của mình và được thực hiện trong các cấp doanh nghiệp. Khung quản lý rủi ro và quy trình quản lý rủi của PTT được xây dựng dựa trên các tiêu chí quản lý rủi ro của COSO ERM (khung quản trị rủi ro doanh nghiệp được công nhận và áp dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay) và hướng dẫn ISO 31000, cùng với việc áp dụng nguyên tắc “3 vòng bảo vệ” trong quản lý rủi ro.
Các sự kiện tích cực hay tiêu cực đều được PTT nhận diện và phân tích để đánh giá tác động của nó tới khả năng đạt được mục tiêu, kế hoạch kinh doanh. Các sự kiện tác động tiêu cực sẽ được quản lý chặt chẽ để ngăn chặn thiệt hại; các sự kiện tác động tích cực sẽ được xem xét chuyển vào chiến lược hay mục tiêu kinh doanh để nắm bắt cơ hội. Quản lý rủi ro được xem là trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân liên quan và yêu cầu phải tuân thủ chính sách rủi ro đã ban hành nhằm quản lý hiệu quả các rủi ro chính, mang tính chất quyết định đến khả năng đạt được mục tiêu và sự ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với Pertamina, doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước của Indonesia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và sản xuất dầu, khí và năng lượng địa nhiệt ở trong và ngoài nước; lĩnh vực chế biến dầu khí và hóa dầu, kinh doanh sản phẩm dầu khí. Mô hình quản trị rủi ro của Pertamina được xây dựng từ năm 2008 dựa trên các nguyên tắc ISO 31000:2009 và COSO ERM.
Đến nay, Pertamina đã áp dụng các quy trình chuẩn, xây dựng các chỉ số và các biện pháp định lượng về quản lý rủi ro áp dụng cho kết quả công việc từ cá nhân, phòng ban và quản lý cấp cao. Ngoài ra, Pertamina đã thực hiện quản lý hợp nhất rủi ro trong các lĩnh vực kinh doanh; phát triển công cụ quản lý rủi ro hỗ trợ cho việc nhận dạng, đo lường và lập bản đồ các rủi ro trọng yếu. Pertamina áp dụng mô hình quản trị rủi ro bán tập trung và dựa trên nguyên tắc “3 vòng bảo vệ” trong hoạt động quản trị rủi ro.
Nhóm các rủi ro được Pertamina quản lý tập trung gồm: rủi ro biến động giá dầu; rủi ro tín dụng; rủi ro tỷ giá; rủi ro lãi suất; rủi ro giá hàng hóa; rủi ro an toàn - sức khỏe - môi trường. Đối với rủi ro giá dầu, Pertamina giảm thiểu rủi ro thông qua quản lý việc mua hàng sử dụng Hệ thống Quản lý Dầu thô (COMS) để lấy giá dầu thô cạnh tranh nhằm hỗ trợ việc sản xuất các sản phẩm dầu khí với giá đầu vào tối ưu nhất.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhật Bản không có tài nguyên dầu mỏ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu lại thường xuyên gánh chịu thiên tai, tuy nhiên quốc gia này lại đạt được những thành công trong phát triển thị trường xăng dầu. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ khả năng quản lý kinh doanh xăng dầu và ứng phó hiệu quả những rủi ro. Trong quản lý giá xăng dầu, Nhà nước Nhật Bản can thiệp sâu rộng và chặt chẽ. Nhiều đạo luật được ban hành như Luật kinh doanh xăng dầu, Luật doanh nghiệp phát triển dầu khí,… chi phối mạnh mẽ hoạt động của các công ty xăng dầu.
Các nội dung chính trong điều hành giá xăng dầu của Nhật Bản bao gồm: Thống nhất quản lý thông qua Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản. Nhà nước quản lý giá sản xuất cũng như giá bán lẻ, điều tiết lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu; Kiểm soát nguồn cung dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu, hạn ngạch sản xuất đầu ra, thậm chí kiểm soát cả quy mô, đầu tư mới, đầu tư mở rộng các nhà máy lọc dầu, các trạm xăng, cây xăng; Hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc dầu; Không cho phép đầu tư nước ngoài tham gia phân phối và quảng bá.
Ngoài ra, Nhật Bản rất thành công trong việc dự trữ dầu thô quốc gia. Nhật Bản đang là nước duy trì mức dự trữ cao nhất tại châu Á. Nhật Bản áp dụng các loại hình kho dự trữ dầ mỏ gồm: kho dự trữ trên mặt đất, trên mặt biển, kho dự trữ ngầm. Hệ thống dự trữ dầu thô tại Nhật Bản gồm hệ thống thuộc sở hữu của chính phủ và hệ thống thuộc sở hữu tư nhân.
Kinh nghiệm của Mỹ
Mỹ là quốc gia có lượng xăng dầu tiêu thụ nhiều nhất thế giới nên bị ảnh hưởng rất lớn khi giá xăng dầu biến động. Trong khi đó, ngành xăng dầu Mỹ gồm một số lượng lớn các doanh nghiệp, nhưng quy mô các doanh nghiệp rất khác nhau. Chính vì vậy, việc quản lý, kiểm soát và định hướng tiêu dùng nhằm giữ ổn định thị trường và ứng phó rủi ro đối với loại hàng hóa chiến lược này được Chính phủ Mỹ rất quan tâm và chú trọng. Một trong những chiến lược then chốt được Mỹ triển khai nhằm giải quyết những khủng hoảng và rủi ro đối với thị trường xăng dầu là đầu tư cho dự trữ dầu mỏ quốc gia.
Về chính sách dự trữ, Mỹ không có sự can thiệp trực tiếp đến giá cả thị trường mà thông qua vận hành quỹ dự trữ chiến lược. Mỹ có kho dự trữ chiến lược và tham gia chương trình năng lượng quốc tế của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Theo công bố lượng dự trữ của Mỹ vào tháng 6/2019 vào khoảng trên 1.900 triệu thùng (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu), trong đó gồm khoảng 1.260 triệu thùng dự trữ tại doanh nghiệp và khoảng 650 triệu thùng dự trữ chiến lược SPR/chính phủ. Kho dự trữ chiến lược này được sử dụng để đảm bảo nguồn cung ứng cho nhu cầu nội địa, đồng thời can thiệp vào thị trường xăng dầu thế giới trong những trường hợp thiếu hụt.
Trong những trường hợp có sự mất cân đối đáng kể trong cung cấp dầu mỏ, nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược - SPR - phối hợp với các nước thành viên IEA khác sẽ được bán ra với số lượng lớn. Điều mà không nhiều quốc gia có đủ năng lực bởi bí hỏi phải có một lượng vốn lớn dành cho dự trữ.
Trong trường hợp có sự mất cân đối đáng kể trên thị trường xăng dầu, lượng xăng dầu dự trữ sẽ được bán ra trên thị trường. Tổng thống có thẩm quyền ra lệnh cắt giảm dự trữ xăng dầu nếu hành động này là cần thiết do sự thiếu hụt nghiêm trọng trong cung cấp năng lượng hoặc do nghĩa vụ của Mỹ trong chương trình năng lượng quốc tế.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu ròng về dầu thô và dầu tinh chế, tuy nhiên để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững cho đến nay quốc gia này vẫn thực hiện cơ chế quản lý đối với giá bán lẻ xăng dầu. Quốc gia này cũng rất chú trọng đến việc dự trữ chiến lược dầu mỏ. Tính đến giữa năm 2015, Trung Quốc đã dự trữ chiến lược khoảng 190,5 triệu thùng, tương đương 30 ngày nhập khẩu dầu thô ròng.
Trung Quốc đang nghiên cứu sửa đổi quy định về dự trữ dầu chiến lược, với mục tiêu xây dựng các kho dự trữ ở khắp cả nước như Mỹ và quy định dự trữ bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dầu mỏ. Cục Dự trữ vật tư quốc gia là cơ quan chủ quản, thực hiện hai chức năng, vừa quản lý Nhà nước về dự trữ, vừa quản lý trực tiếp hàng hóa dự trữ quốc gia. Như vậy, tính trực tiếp và tính hệ thống là nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng kho dự trữ chiến lược chứa 20 triệu tấn xăng dầu. Trong các thời điểm khủng hoảng về xăng dầu, Bộ thương mại Trung quốc thường đưa ra thông báo đề nghị tất cả các thành phố thực hiện chế độ khẩn cấp về dầu và các chính quyền Tỉnh, Thành phố phải giữ ổn định cung và cầu. Hai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất của Trung Quốc là Tổng công ty xăng dầu Quốc gia Trung quốc và Tổng công ty xăng dầu và hóa chất Trung quốc sẽ được yêu cầu hạn chế việc xuất khẩu và tăng nhập khẩu dầu tinh chế để duy trì sự ổn định của thị trường.
Giải pháp chung của các quốc gia trong quản lý và ứng phó khủng hoảng, rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường xăng dầu đều bắt đầu bằng sự quản lý chặt chẽ, sâu rộng của nhà nước, xây dựng các mô hình ứng phó rủi ro đồng bộ, chú trọng công tác dự trữ quốc gia về dầu thô.
Gợi ý cho thị trường xăng dầu Việt Nam
Đặc biệt tại Việt Nam, năm 2022 là năm “dị biệt” và là năm rất khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Hầu hết doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh và phân phối xăng dầu đang bị thua lỗ, buộc phải cắt giảm sản lượng kinh doanh. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.
Trong những ngày qua xảy ra tình trạng nhiều cây xăng ở các quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh Tây Nam bộ… treo biển hết hàng, tạm ngưng phục vụ. Những hình ảnh hy hữu xuất hiện tại các điểm bán xăng dầu như nhân viên bán hàng ngồi chơi và không có xăng để bán, treo biển chỉ bán 30.000 VND cho mỗi phương tiện và đổ xăng một cách “nhỏ giọt”, hình ảnh người dân xếp hàng dài để đợi mua xăng, thậm chí còn xảy tình trạng nhiều người bực tức cãi nhau rồi dẫn đến xô xát do phải chờ đợi quá lâu khi mua xăng…
Trong những ngày đầu tháng 10/2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex, đơn cử sản lượng bán lẻ của TP HCM ngày 10-10-2022 tăng 72% so với ngày 9-10-2022, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng tàu tăng 60%...
Tình trạng trên ngoài xuất phát từ nguyên nhân khách quan bởi diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới còn bởi các nguyên nhân chủ quan. Mặc dù, Bộ Công Thương đã tích cực và thường xuyên phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu, song, việc điều hành mặt hàng xăng dầu vẫn có độ trễ nhất định so với biến động của thị trường.
Ý thức chấp hành các quy định chưa thật tốt; chưa làm tốt công tác dự báo nên việc lên các phương án dự phòng chưa sát tình hình thực tế; mối liên kết trong các chuỗi cung ứng từ tập đoàn đến các Công ty thành viên, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ chưa thật sự chặt chẽ, hợp lý; cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, thiếu kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết.
Chính vì vậy, để quản lý tốt lĩnh vực này, không chỉ cần sự nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị mà còn cần sự phối hợp rất nhuần nhuyễn và trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị. Bộ Công Thương cần “tròn vai” trong hoạt động cung ứng và hệ thống kinh doanh; Bộ Tài chính thực hiện tốt, hiệu quả công tác quản lý về vấn đề giá, thuế, phí, lệ phí, quy định về dự trữ quốc gia xăng dầu; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ, thống nhất về kiểm chứng chất lượng xăng dầu, tiêu chuẩn về môi trường; còn các địa phương trách nhiệm hơn nữa trong quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu bán lẻ trên địa bàn.
Ngoài ra, để hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu tăng trưởng, hiệu quả và bên vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản trị điều hành, đầu tư, tài chính, thị trường, ứng phó những rủi ro. Cụ thể, tăng cường phân tích, dự báo thị trường và các vấn đề kinh tế, chính trị nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời, phù hợp; nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới; quản trị danh mục đầu tư hiệu quả; đánh giá, rà soát các dự án đầu tư, xác định nhóm các dự án trọng điểm, ưu tiên trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối, thu xếp vốn và dòng tiền; trên cơ sở tham khảo công tác tổ chức quản trị rủi ro từ các công ty dầu khí của quốc tế, xây dựng mô hình quản trị rủi ro phù hợp với thực tế hoạt động của thị trường Việt Nam hiện nay.