* NATO đặt mua thêm máy bay vận tải tiếp liệu trên không Airbus A330, đưa tổng số máy bay Airbus A330 của khối lên 10 chiếc. Thông báo này được đưa ra ngay sau khi NATO quyết định tăng cường thêm 1.100 giờ bay mỗi năm cho chương trình chia sẻ chi phí huấn luyện bay trong khối. Máy bay vận tải tiếp liệu giúp hỗ trợ vận tải chiến lược, tiếp liệu trên không và tiến hành các hoạt động y tế cho 6 quốc gia trong khối gồm Bỉ, Cộng hòa Czech, Đức, Luxembourg, Hà Lan và Na Uy. Đây là 6 quốc gia đã ký kết biên bản ghi nhớ cho phép chia sẻ chi phí theo tỷ lệ cam kết giữa các quốc gia về giờ bay mỗi năm.
Chiếc Airbus A330 đầu tiên thực hiện chương trình hợp tác chia sẻ chi phí giờ bay giữa các nước NATO bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020 và chương trình hy vọng sẽ đưa vào vận hành toàn bộ số máy bay vận tải tiếp liệu chiến lược của mình vào năm 2024. Lực lượng tham gia chương trình này đã từng được triển khai sơ tán dân thường và người tị nạn Afghanistan, tham gia các cuộc tập trận đa phương cùng Không quân Đức và một số nhiệm vụ khác. Chương trình này là một trong những biện pháp để các quốc gia tăng cường hợp tác, tập hợp, chia sẻ và tiếp cận liền mạch với các nguồn lực tiên tiến nhất.
Rơi 2 trực thăng HH-60 Black Hawk khiến 9 binh sĩ Lục quân Mỹ thiệt mạng. Ảnh: ABC News |
* Sáng 31-3, đoàn công tác của Lục quân Mỹ đã tới hiện trường nơi xảy ra vụ rơi 2 chiếc máy bay HH-60 Black Hawk ở miền Nam bang Kentucky khiến 9 quân nhân thiệt mạng. Đoàn sẽ điều tra nguyên nhân cụ thể gây ra vụ việc. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gửi lời chia buồn tới gia đình các quân nhân và Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth đã gọi đây là “một ngày đau buồn” của quân chủng.
Chuẩn tướng John Lubas, Phó tư lệnh Sư đoàn Không quân Lục quân 101 thông tin: Hai chiếc trực thăng thuộc biên chế sư đoàn đã bị rơi vào khoảng 10 giờ đêm ngày 29-3 (giờ Mỹ) khi đang tiến hành “huấn luyện thường xuyên”. Theo Thượng sĩ Joshua Tverberg, phát ngôn viên Sư đoàn 101, trong khi 4 chiếc trực thăng HH-60 Black Hawk (HH-60 là phiên bản thiết kế riêng cho hoạt động cứu trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình và hoạt động quân y) đang tiến hành huấn luyện thì 2 chiếc trong số đó đột ngột mất độ cao và rơi xuống khu vực một cánh đồng. Không có thiệt hại cho người dân dưới mặt đất nhưng toàn bộ 9 binh sĩ trên 2 chiếc trực thăng đã thiệt mạng sau vụ rơi.
* Chính phủ Đức đã quyết định sẽ triển khai quân tới Niger tham gia hoạt động tác chiến của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ quốc gia châu Phi này kiểm soát bạo lực. Tuy nhiên, để triển khai quân theo chương trình của EU, quyết định của chính phủ Đức sẽ phải được Quốc hội thông qua.
Chính phủ Đức sẽ gửi quân tới Niger. Ảnh: Reuters |
Tháng 12-2022, EU đã quyết định sẽ thành lập một phái bộ quân sự có quân số không quá 300 binh sĩ tại Niger. Phái bộ này sẽ hoạt động trong thời gian 3 năm, có nhiệm vụ chính là hỗ trợ Niger cải thiện năng lực hậu cần và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, Niger hiện đang phải đối mặt với khả năng bạo lực gia tăng do ảnh hưởng từ quốc gia láng giếng Mali, nơi các nhóm vũ trang đang nổi lên nắm quyền kiểm soát sau khi lực lượng quân sự châu Âu rút đi. Quân đội Đức đã từng huấn luyện cho các lực lượng đặc biệt của Niger từ năm 2018 nhưng đã kết thúc hoạt động này năm 2022. Hiện vẫn còn 1.100 lính Đức ở Mali, hầu hết đều đóng ở Gao, và thực hiện nhiệm vụ trinh sát cho phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại đây.
Tháng 11-2022, sau Pháp và Anh, Đức đã quyết định rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Mali trước tháng 5-2024. Quan hệ của châu Âu với Mali đã trở nên xấu đi kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự vào năm 2020 ở quốc gia châu Phi này.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)