Quảng bá hàng hóa Việt Nam tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại châu Phi

Vũ Xuân Kiên
Đại diện Thương vụ Việt Nam đã tiếp xúc với các doanh nghiệp Algeria và châu Phi tham dự Diễn đàn Thương mại và Đầu tư châu Phi để tìm hiểu nhu cầu, kết nối cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt.

Diễn đàn Thương mại và Đầu tư châu Phi 2023 lần thứ 9 (AFIC9) vừa diễn ra trong hai ngày 16-17/5 tại khách sạn Sheraton ở thủ đô Algiers, Algeria.

Nhận lời mời của Ban tổ chức, Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm các nước như Senegal, Mali, Niger, Gambia và Mauritania đã tham dự sự kiện.

ttxvn-dien-dan-chau-phi-1684316476.jpg
Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư châu Phi 2023. (Ảnh: Huỳnh Khánh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, với chủ đề "Châu Phi, cửa ngõ cho hợp tác công nghiệp, nông nghiệp và thương mại," sự kiện do Trung tâm Đầu tư và Phát triển Arab-châu Phi (CAAID) tổ chức nhằm kết nối hơn 650 tác nhân kinh tế bao gồm các nhà đầu tư, lãnh đạo các tổ chức khu vực và quốc tế, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các phòng thương mại đến từ 37 quốc gia.

Ngoài các đại biểu đến từ châu Phi, diễn đàn lần này còn có sự tham gia của các nhà điều hành và đại diện các tổ chức đầu tư châu Âu, châu Á và châu Mỹ có quan tâm đến thị trường châu Phi.

Bên lề diễn đàn còn có triển lãm trong những lĩnh vực xuất khẩu, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, dịch vụ, công nghệ, điện tử, chuyển đổi số, năng lượng, xây dựng, công chính, y tế, công nghiệp dược, đầu tư, tài chính, vận tải, khu vực thương mại tự do và môi trường.

Theo ban tổ chức, tại diễn đàn cũng sẽ diễn ra hơn 400 cuộc gặp B2B giữa các doanh nghiệp để đàm phán, ký kết và thiết lập quan hệ đối tác.

Trong khuôn khổ sự kiện lần này, ngoài việc tham gia các phiên hội thảo về tình hình thương mại và đầu tư tại Algeria và châu Phi, Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã tổ chức gian hàng trưng bày và giới thiệu nhiều sản phẩm Việt như càphê, chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, sữa, sản phẩm đóng hộp, đồ thủ công mỹ nghệ… cũng như các ấn phẩm như danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, catalogue đến các đại biểu tham dự.

Nhìn chung, khách tham quan đánh giá cao chất lượng hàng hóa Việt Nam và cho rằng còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Việt sang châu Phi.

Nhân dịp này, đại diện Thương vụ Việt Nam cũng tiếp xúc với các doanh nghiệp Algeria và châu Phi tham dự diễn đàn để tìm hiểu nhu cầu, kết nối cơ hội kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều dư địa cho Việt Nam

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận cho biết Việt Nam và các nước châu Phi có rất nhiều tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư. Trong những năm vừa qua, kim ngạch trao đổi thương mại cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai bên đã có những bước tăng trưởng tích cực.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2022, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 5,4 tỷ USD. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu 2,8 tỷ USD, nhập khẩu 2,6 tỷ USD. Như vậy Việt Nam xuất siêu 200 triệu USD. Các đối tác thương mại chính là Ai Cập, Nam Phi, Côte d’Ivoire, Ghana, Algeria.

ttxvn-dien-dan-2-1684316476.jpg
Tân Đại sứ Việt Nam tại Algeria Trần Quốc Khánh tham dự lễ khai mạc diễn đàn ngày 16/5. (Ảnh: Huỳnh Khánh/TTXVN)

Về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi, năm 2022, Việt Nam đã thu hút đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD từ các nước châu Phi. Các nhà đầu tư chính của châu Phi vào Việt Nam là Seychelle, Mauritius, Angola.

Về đầu tư của Việt Nam sang châu Phi, tính đến tháng 2/2022, chúng ta đã đầu tư tại 17 quốc gia của châu lục này, với tổng số vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.

Các địa bàn tiếp nhận nhiều đầu tư nhất của Việt Nam là Algeria, Mozambique, Tanzania, Burundi, chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và bưu chính viễn thông.

Việc Algeria nói riêng và châu Phi nói chung thúc đẩy hội nhập, đặc biệt là với Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Phi (AfCFTA), đang tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam có thể tính đến việc đầu tư trực tiếp tại một địa bàn, thị trường có dân số đông, tình hình chính trị ổn định, nguồn nguyên liệu dồi dào, và thông qua thị trường này xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác trong khu vực.

Hiện tại, 54 nước châu Phi đã ký AfCFTA. Như vậy giữa nội khối họ đã cắt giảm các loại thuế xuất nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại địa bàn sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất, tận dùng nguồn nguyên liệu, nhân công dồi dào tại Algeria.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 54/55 nước châu Phi, và thiết lập quan hệ thương mại với hầu như tất cả các nước trong khu vực này.

Ngoài thương mại và đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tương đối phát triển, với sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế, như FAO, AU.

Với FAO, chúng ta đã triển khai nhiều hợp tác nông nghiệp song phương, đa phương tại châu Phi, đặc biệt là tại Senegal, Mozambique, Sudan, Guinea, và khá thành công với mô hình này. Năng suất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi được cải thiện rất nhiều.

Diễn đàn thương mại và đầu tư châu Phi là sự kiện thường niên giúp các doanh nghiệp của châu lục này tăng cường trao đổi thương mại với phần còn lại của thế giới cũng như giúp các doanh nghiệp khác trên thế giới có cơ hội tìm hiểu các chính sách mới về đầu tư vào các nước châu Phi.

Mặc dù cũng còn một số khó khăn cần giải quyết như khoảng cách xa về mặt địa lý và những thủ tục, luật lệ trong thương mại của các quốc gia khu vực này vẫn còn chưa phát triển như các thị trường khác.

Thế nhưng nếu doanh nghiệp có sự đầu tư nghiên cứu kỹ về thị trường, bỏ công sức để sang tìm hiểu thì cũng có nhiều khả năng thâm nhập thị trường thành công bởi vì đa phần doanh nghiệp châu Phi là các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trong khi đó dân số lục địa này đang tăng nhanh, thu nhập của người dân cũng ngày càng được cải thiện và nhu cầu về hàng tiêu dùng của họ là rất lớn.

Đây có thể xem là một thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam./.