Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức sáng 9/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mặc dù tiến độ yêu cầu gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng), song quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập quy hoạch.
Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học góp ý thêm cho dự thảo quy hoạch. Trên cơ sở đó, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, đó là: Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển;” “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững;” phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên;” lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0.”
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 06 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.
Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%...
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 6 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể bảo vệ môi trường; giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; kinh tế; văn hóa xã hội; an ninh, an toàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.
Quy hoạch Thủ đô đã xác định nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách, cần giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển;” “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững;” phát triển đô thị xanh; lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên;” lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0.”
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Theo ông Hoàng Văn Cường, quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 65-70%...
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội cần đặt ra những mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ “vượt lên so với chính Hà Nội.”
Theo ông Sinh, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) quá thấp, không giúp thúc đẩy tăng trưởng.
"Tỷ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ cũng có giới hạn, nhất là khi dịch vụ của Hà Nội vẫn thuộc loại giản đơn, không mang lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, định hướng chuyển đổi số, chú trọng đổi mới sáng tạo chưa thể hiện rõ, trong 4 năm chỉ tăng 0,5% và thứ hạng vẫn thấp. Muốn tăng trưởng nhanh, nhất định phải xem lại khâu này,” ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.
Về giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, ông Cao Viết Sinh đề nghị chú trọng đến đặc thù của Hà Nội, theo đó, Hà Nội nên chú trọng đầu tư phát triển giao thông ngầm.
Gợi ý thảo luận thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng ý với ý kiến điều chỉnh hợp lý tỷ trọng công nghiệp, nhưng phải là công nghiệp xanh, sạch.
“Trong quá trình phát triển giao thông đô thị nên có lộ trình thải bỏ phương tiện giao thông cũ, sử dụng nguyên liệu hóa thạch không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, dần dần chuyển sang sử dụng xe điện...,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị./.