Từ cuối năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã có xu hướng phục hồi và dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 1/2024 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm 2024 bởi trong tháng 1/2024, trừ Thái Lan, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều tăng cao.
Bà Nguyễn Hà – Chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tại khối thị trường EU, việc mở lại hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo đà đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này trong tháng đầu năm. Trong đó, Italy vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị nhập khẩu trong tháng 1/2024, với mức tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Cùng với Italy, xuất khẩu sang Ba Lan và Thụy Điển cũng tăng “phi mã”.
Còn tại khối thị trường Trung Đông, mặc dù tiếp tục bị tác động của cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nhưng xuất khẩu sang một số nước tại khu vực này đang tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Israel tăng 43%, Libăng tăng gấp 13 lần, Ai Cập tăng 43%... Hiện những lo ngại về cuộc chiến gia tăng đang làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm có khả năng tích trữ như cá ngừ đóng hộp tại các thị trường này và thúc đẩy nhập khẩu.
Nhìn vào toàn cảnh thị trường và ngành cá ngừ năm 2024, bà Hà cho rằng, xuất khẩu thủy sản đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Điển hình như, căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển có xu hướng tăng cao. Giá bán sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu thụ.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, trong 1 tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài, đăng ký thuê tàu khó khăn khiến việc tồn kho kéo dài, dòng vốn quay vòng chậm, lãi ngân hàng phát sinh nhiều… Bên cạnh đó, rào cản về “thẻ vàng IUU” khi xuất khẩu sang thị trường EU vẫn chưa được tháo gỡ, nên doanh nghiệp khi xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tất cả những điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.