Tăng mạnh ca mắc thủy đậu trái mùa tại Hà Nội

Nguyễn Ánh Hiền
Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ ghi nhận có 4 ca nhiễm.

z4201713021877-ee0fed6c94100fce97348de79407d352-1-7358-1679471139.jpg

Bệnh nhân mắc thủy đậu được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: MN)

Số ca mắc thủy đậu tại Hà Nội tăng gấp hàng trăm lần so với cùng kỳ năm 2022

Ngày 21/3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10-17/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu, giảm nhẹ so với tuần trước đó Hà Nội ghi nhận 112 ca thuỷ đậu.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 ca thuỷ đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca. Trong đó số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).

Bệnh nhân thuỷ đậu ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Ghi nhận tại Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong 2 tuần gần đây đã tiếp nhận 9 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Hầu hết các bệnh nhân đều là người lớn, một số người từng mắc bệnh thủy đậu từ khi còn nhỏ, một số mới lần đầu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, trong số bệnh nhân nói trên có 8 người cùng chung sống tại một địa chỉ và một bệnh nhân hiện đang sinh sống trên địa bàn phường Thanh Nhàn.

Theo anh Tẩn A Giàng (27 tuổi, quê ở Yên Minh, Hà Giang), nơi ở tập thể hiện tại của các bệnh nhân có khoảng 30 người đang sinh hoạt chung. Các triệu chứng bệnh thủy đậu bắt đầu khởi phát cách đây 2 tuần do một người cùng phòng có biểu hiện nổi mẩn ngứa.

Cùng thời điểm này có thêm một số người cùng phòng cũng với triệu chứng tương tự nên đến bệnh viện thăm khám. Sau khi 4 người cùng khu được xuất hiện, nhóm anh bắt đầu có triệu chứng tương tự nên đã nhập viện điều trị. "Ban đầu tôi chóng mặt, ngứa và đau mỏi cổ, khó ngủ, sau đó là mẩn ngứa các mụn nước", anh Giàng chia sẻ.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thủy, Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hằng năm bệnh thủy đậu thường diễn ra vào vụ Đông Xuân (tháng 11), tuy nhiên hiện tại mới đang là đầu năm nhưng đã xuất hiện bệnh thủy đậu, chủ yếu ở người lớn.

Bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn, đó là điều khác thường.

z4201716073289-c095812b371e4dda7ef9bb251d4df6f6-817-1679471185.jpg

Nhiều người lớn mắc bệnh thủy đậu trái mùa.

Chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu

Thống kê trên cả nước, trong 2 tháng 1-2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.

Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.