RWE, tập đoàn cung ứng điện lớn nhất của Đức, đã mở tài khoản để thực hiện cơ chế thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp theo yêu cầu phía Nga đặt ra.
Theo đó, RWE mở tài khoản bằng đồng euro, sau đó sẽ được chuyển đổi sang tài khoản bằng đồng rúp để thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga. Biện pháp này cũng đi sát hướng dẫn mà Liên minh châu Âu (EU) cụ thể hóa, cho phép các công ty EU mua khí đốt của Nga theo cơ chế thanh toán bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt chống Nga.
Cuối tháng này là đến kỳ tất toán nhiều hợp đồng mua khí đốt từ Nga. Các công ty, tập đoàn châu Âu thời gian qua đã phải vật lộn để tìm ra giải pháp đáp ứng yêu cầu của Nga, duy trì nguồn cung khí đốt, thanh toán theo cơ chế đồng rúp mà Tổng thống Vladimir Putin thông qua hôm 31/3 mà không vi phạm các lệnh trừng phạt đối đối với Nga.
Với quyết định này, RWE gia nhập danh sách 20 khách hàng châu Âu chấp nhận mở tài khoản bằng đồng ngoại tệ và đồng rúp để mua khí đốt từ Nga. Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Uniper - một công ty nhập khẩu khí đốt hàng đầu tại Đức khác, cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng quy trình thanh toán bằng đồng rúp.
Đến đầu tháng này, VNG - một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất tại Đức, đã mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để thực hiện giao dịch, thanh toán tiền mua khí đốt của Nga theo đúng yêu cầu của Moskva. VNC cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục trả tiền mua khí đốt chủ yếu bằng đồng euro vào tài khoản ngoại tệ mở tại Gazprombank theo đúng lộ trình đề ra, bảo đảm yêu cầu thanh toán kịp thời. Việc chuyển đổi từ euro sang đồng rúp sẽ không gây ra khó khăn nào, khi việc mở tài khoản bằng đồng rúp diễn ra hoàn toàn suôn sẻ.
Ngày 13/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt mua của Nga. Theo đó, các công ty EU sẽ không bị trừng phạt khi tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp mà Nga đưa ra; EU không ngăn cản các doanh nghiệp mở tài khoản tại Gazprombank. Điều kiện đặt ra là các doanh nghiệp cần đưa ra tuyên bố rõ ràng về hoàn thành nghĩa vụ sau khi thanh toán bằng đồng euro hoặc USD với các hợp đồng hiện hành, mà không cần phải quan tâm đến việc chuyển đổi từ các đồng ngoại tệ này sang đồng rúp ở chu kỳ sau đó.
Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối tháng 3 vừa qua đã ký sắc lệnh yêu cầu khách hàng từ những nước “không thân thiện” phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp. Phía Nga sau đó đưa ra hướng dẫn về cơ chế thanh toán theo hướng này. Theo đó, đầu mối nhập khẩu phải mở cả tài khoản ngoại tệ và tài khoản bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank.
Việc EU chấp nhận yêu cầu của Mosvka về cơ chế thanh toán bằng đồng rúp được xem là chiến thắng rõ ràng đối với Tổng thống Putin, với việc nguồn thu từ dầu mỏ, khí đốt tăng mạnh, nền kinh tế Nga dần trở lại ổn định, còn đồng rúp tăng giá mạnh trở lại. Trong khi đó, dự thảo lệnh trừng phạt của EU nhằm vào xuất khẩu dầu thô của Nga gặp bế tắc, do vấp phải sự phản đối của một số thành viên trong EU, điển hình là trường hợp của Hungary. Kinh tế EU cũng gặp cú sốc, do giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát tăng, tăng trưởng suy giảm.