Nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và công nghệ tài chính mở Konsentus cho thấy, đến nay, có 68 quốc gia đã hoặc đang phát triển ngân hàng mở. Tại Việt Nam, gia nhập xu hướng ngân hàng mở, nhiều ngân hàng đã kết nối với hàng nghìn đối tác, như: VietinBank đang kết hợp với hơn 73 đối tác trên nền tảng iConnect; BIDV phát triển cổng thanh toán BIDV Paygate theo hướng open banking, cho phép kết nối gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ và trung gian thanh toán,...
Mở rộng kết nối
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Hoàng Long, ngân hàng mở là mô hình kết nối, xử lý các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho phép các bên thứ ba cung cấp dịch vụ (TPP) được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng dựa trên sự chấp thuận của khách hàng.
Hiện nay, trên thế giới, xu hướng hạ tầng chung về ngân hàng mở ngày càng tăng, hạ tầng chung giúp thúc đẩy phát triển nhanh hơn kết nối tự phát, hạ tầng chung được cấp phép hoặc vận hành bởi các tổ chức/Hiệp hội lớn có uy tín, chẳng hạn như Ấn Độ (UPI/NPCI), Hàn Quốc (KFTC), Thụy Sĩ (Six Group) được bảo trợ bởi ngân hàng Trung ương và Hiệp hội Ngân hàng/Fintech hoặc mô hình tại Anh được cấp phép bởi FCA và được bảo trợ bởi CMA và ngân hàng Trung ương.
Nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu, tại Việt Nam, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba (TPP) thông qua việc sử dụng Open API. Theo đó, từ 2020 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc phát triển mô hình này như: VietinBank, BIDV, OCB, MB,…
Trong đó, VietinBank đã cho ra mắt ứng dụng VietinBank iConnect từ năm 2019. Theo thống kê, mỗi tháng có hơn 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này. Hay ứng dụng BIDV Open API của ngân hàng BIDV từ cuối tháng 11/2023 cung cấp 15 gói API với bốn nhóm dịch vụ được sử dụng nhiều nhất gồm dịch vụ thanh toán; dịch vụ thu hộ; thanh toán trực tuyến; tiện ích.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Vũ Anh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nền tảng và định danh số, Công ty Hệ thống thông tin FPT IS, mô hình Open Banking hay Open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau. Do đó, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại ba thách thức lớn cần tháo gỡ để tự tin đi theo hướng Ngân hàng mở, đó là vấn đề quản trị dữ liệu; an toàn bảo mật; nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật (khi chưa có quy định chung nào về tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa vào thực tế giữa các tổ chức).
"Nhu cầu của khách hàng rất lớn và mong muốn của các tổ chức tín dụng, của các doanh nghiệp cũng rất nhiều. Vì vậy đi đôi với việc rõ ràng khung pháp lý, công nghệ và dữ liệu sẽ được coi như "chìa khóa" giúp liền mạch kết nối hệ thống giữa các tổ chức, xác thực thông tin chính xác giúp "mở đường" cho quá trình chuyển dịch ngân hàng mở hiệu quả", ông Vũ Anh Đức cho biết.
Xây dựng hạ tầng chung
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: "Có thể thấy, tiềm năng phát triển Open Banking tại Việt Nam rất lớn. Thời gian qua, BIDV đã đầu tư nguồn lực lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó, có nền tảng Open API. Với kinh nghiệm của BIDV, để hoạt động Open Banking thật sự mang giá trị cho khách hàng và nền kinh tế, không chỉ cần đầu tư vào hệ thống công nghệ mà các ngân hàng còn cần quan tâm chú trọng đến quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật trong quá trình lựa chọn đối tác và cung cấp hạ tầng cho giao dịch".
Open Banking mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên (ngân hàng, công ty fintech, khách hàng và cơ quan quản lý), nhưng việc mỗi ngân hàng phải xây dựng và vận hành tiêu chuẩn, kết nối riêng khiến chi phí vận hành tăng, tốn kém nguồn lực. Ngân hàng thực hiện toàn bộ quy trình triển khai cho phép các TPP được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua Open API (KYC, onboarding, kết nối kỹ thuật…) và TPP lại sử dụng nhiều tiêu chuẩn, kết nối với các ngân hàng sẽ dẫn đến khó triển khai mở rộng mô hình. Cùng với đó, việc ngân hàng mở nhiều kết nối đến TPP và không cùng tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu có thể dẫn đến những rủi ro an ninh bảo mật,…
Do đó, giải pháp là sử dụng hạ tầng chung Open Banking, chia sẻ và thống nhất tiêu chuẩn chung, quy trình, quy định vận hành để kết nối giữa các ngân hàng và TPP thông qua kết nối với đơn vị vận hành hạ tầng chung về ngân hàng mở. Hạ tầng chung này hỗ trợ các bên trong việc chia sẻ dữ liệu và cung cấp dịch vụ. Đại diện NAPAS cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần ban hành hướng dẫn/quy định loại dữ liệu chia sẻ; hành lang pháp lý hỗ trợ triển khai ngân hàng mở với các bên tham gia; ban hành quy định về việc triển khai Open Banking/Open API; cùng với đó, định hướng, khuyến khích các bên triển khai/gia nhập hạ tầng chung về Open Banking.
Liên quan vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở, Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) Đoàn Thanh Hải cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giao Cục Công nghệ thông tin làm đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư quy định về triển khai Open API trong ngân hàng với các nội dung cơ bản: Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật; danh mục hàm API chi tiết; quy chế khai thác chia sẻ dữ liệu; lộ trình triển khai; quyền và trách nhiệm của các bên.
Theo ông Đoàn Thanh Hải, Cục Công nghệ thông tin dự kiến hoàn thành và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư này vào tháng 7/2024. Thời gian tới, cục tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nội dung thông tư để các tổ chức tín dụng, các công ty thanh toán đóng góp ý kiến.