Một số tồn tại ở Sở Tư pháp TP HCM

Admin
Ngày 21/11, Thanh tra TP HCM đã có văn bản số 105/TB-TTTP-P4 Thông báo kết luận về thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng kinh phí tại Sở Tư pháp (niên độ năm 2020- 2021). Trong đó, Thanh tra thành phố đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của Sở Tư pháp và kiến nghị biện pháp xử lý với UBND TP HCM.

Cụ thể, trong Kế hoạch thanh tra năm 2020, Sở Tư pháp dự kiến triển khai 01 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp đấu giá tài sản tại 08 doanh nghiệp đấu giá tài sản. Tuy nhiên, thực tế Sở Tư pháp chỉ thanh tra đối với 05 doanh nghiệp (khi điều chỉnh kế hoạch thanh tra không không điều chỉnh giảm đối với 03 doanh nghiệp: Công ty đấu giá hợp danh HCM Việt Nam; Công ty đấu giá hợp danh OAP, Công ty đấu giá hợp danh An Tín Việt). Còn tại Quyết định số 288/QĐ-STP-TTR ngày 04/11/2021 của Sở Tư pháp về điều chỉnh Kế hoạch số 231/KH-TTR, Thanh tra Sở dự kiến triển khai 01 đoàn thanh tra liên ngành đối với 05 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài trên địa bàn TP HCM. Trên thực tế, Sở Tư pháp chỉ thanh tra đối với 04 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (khi điều chỉnh kế hoạch thanh tra, Sở không điều chỉnh giảm đơn vị được thanh tra là Công ty Luật TNHH Rouse Legal VN).

screenshot-2022-11-27-224209-1669563752.png

Kết luận của Thanh tra TP HCM về thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng kinh phí tại Sở Tư pháp (niên độ năm 2020 - 2021).

Thanh tra thành phố còn kết luận Sở Tư pháp chưa thực hiện việc mở sổ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra theo đúng quy định tại Điều 22, 23 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra dẫn đến có trường hợp kết luận thanh tra được công bố vào ngày 09/9/2020 nhưng đến thời điểm đoàn thanh tra kiểm tra (ngày 17/8/2022) đối tượng thanh tra mới có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra.

Ngoài ra, việc ghi sổ nhật ký tại một số đoàn thanh tra chưa liên tục về thời gian, không đầy đủ các ngày trong quá trình tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra không ký tên vào sổ nhật ký đoàn thanh tra. Một số đoàn còn chưa đảm bảo về thời hạn thanh tra theo quy định. Văn bản thông báo kết thúc việc thanh tra tại đơn vị được thanh tra tại một số đoàn chưa đúng biểu Mẫu số 32-TTr.

Về việc xử lý đơn kiến nghị, phản ánh một số trường hợp còn trễ hạn so với thời gian quy định. Thanh tra Sở Tư pháp thực hiện lưu trữ hồ sơ đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tại Phòng làm việc của Thanh tra Sở là thực hiện đúng theo Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của Sở Tư pháp. Trường hợp đơn tố cáo ban hành Quyết định giao xác minh trong giai đoạn xử lý bước đầu thông tin tố cáo là chưa đúng theo quy định tại Điều 24 Luật Tố cáo. Trong công tác xử lý đơn tố cáo, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp ký thừa lệnh Giám đốc Sở Tư pháp các Thông báo không thụ lý giải quyết tố cáo là chưa đảm bảo quy định về thẩm quyền ký văn bản thông báo không thụ lý tố cáo. Thời hạn xử lý đơn tố cáo có 01/04 đơn trễ hạn so với quy định.

so-tu-phap-tp-hcm-pld1-1669566892.jpg

Sở Tư pháp TP HCM tồn tại nhiều hạn chế về công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020, 2021, Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 427/QĐ-STP- VP ngày 09/10/2020 chậm 07 tháng so với Quyết định của UBND TP HCM; Ban hành Quyết định số 252/QĐ-STP-VP ngày 20/10/2020 chậm 05 tháng so với Quyết định của UBND. Báo cáo số 2956/BC-STP ngày 16/7/2021 về tình hình, kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 không đúng thời hạn và không đánh giá có đạt chỉ tiêu đề ra hay không đối với chỉ tiêu các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm; công tác phí... phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt. Báo cáo 1179/BC-STP ngày 27/4/2022 về tình hình, kết quả thực hiện thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2022 không đúng thời hạn. Thêm nữa, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021 của Sở Tư pháp chưa đúng Mẫu biểu theo Thông tư của Bộ Tài chính. Tại Kết luận số 57/KL-TTr ngày 28/4/2020 và Kết luận số 68/KL-TTr ngày 09/4/2021 của Thanh tra Sở Tư pháp không nêu cụ thể số tiền thực hành tiết kiệm đơn vị thực hiện.

Năm 2020, Sở Tư pháp chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chỉ tiêu tiết kiệm công tác phí thực hiện chưa tiết kiệm so với năm 2019. Năm 2021, đối với các nội dung tiết kiệm, tổ chức hội nghị, hội thảo, mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện thông tin, liên lạc, Sở Tư pháp thực hiện chưa tiết kiệm so với năm 2020. Đồng thời, đối với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2021 tiết kiệm được 1,3% so với năm 2020 là thực hiện không đúng Kế hoạch số 4500/KH-STP-VP về sử dụng tiết kiệm điện. Hơn nữa, trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Sở Tư pháp chưa xây dựng các tiêu chí chi tiêu cụ thể đối với các khoản tiền điện, nước, văn phòng phẩm, vật tư văn phòng khác theo quy định.

Trong Kết luận, Thanh tra thành phố cũng chỉ rõ một số tồn tại về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của 04 đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, bao gồm: Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng, Phòng Công chứng số 4, Phòng Công chứng số 5 và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Qua Kết luận thanh tra như trên, Thanh tra TP HCM kiến nghị UBND TP HCM tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng kinh phí tại Sở Tư pháp; đề ra các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đúng quy định về những thiếu sót, hạn chế theo kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố. Đồng thời, UBND cần rà soát Quy chế, quy định do Sở ban hành để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đã nêu tại phần kết luận.

Mai Hoàng