Thu hút vốn FDI tăng mạnh trong tháng 6/2024

Vũ Xuân Kiên
Việc Tập đoàn Amkor tăng vốn 1,07 tỷ USD mở rộng dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Bắc Ninh đã góp phần làm tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong sáu tháng đầu năm tăng 35%, thay vì giảm liên tục so cùng kỳ trong các tháng trước.
nha-may-1719824156.jpg
Sản xuất phụ tùng cho xe máy tại Công ty TNHH A-TECH AUTOMOTIVE Việt Nam tại Khu công nghiệp Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Đăng Anh)

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết sáu tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện và tổng vốn đầu tư đăng ký đều tăng trưởng tốt hơn với mức tăng lần lượt là 0,4 điểm phần trăm và 11,1 điểm phần trăm so 5 tháng đầu năm.

Đáng lưu ý, trong tháng 6/2024 ghi nhận lượng vốn điều chỉnh tăng thêm vượt trội so những tháng đầu năm với tổng vốn tăng thêm lên đến gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong sáu tháng.

Dự án tăng vốn lớn nhất thuộc về Tập đoàn Amkor (Singapore) tăng vốn 1,07 tỷ USD mở rộng dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Bắc Ninh.

Singapore cũng trở thành quốc gia dẫn đầu trong tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2024 với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỷ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so cùng kỳ.

Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư, giảm 21,6% so cùng kỳ; tiếp theo là Hongkong (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Về số liệu vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tính đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ năm 2023.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%.

Cụ thể, cả nước có 1.538 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 18,9% với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng 46,9%. Về vốn điều chỉnh, có 592 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỷ USD, giảm 6,3% về số lượng dự án điều chỉnh vốn và tăng 35% về vốn đăng ký tăng thêm.

Riêng hoạt động góp vốn, mua cổ phần vẫn giảm 10,9% về lượt giao dịch và giảm 57,7% về giá trị đầu tư.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,47 tỷ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,5%. Tiếp theo là các ngành: bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ...

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 67,9%). Tuy nhiên, dẫn đầu về giá trị góp vốn, mua cổ phần là ngành bán buôn, bán lẻ, chiếm gần 43,5% về số lượt giao dịch.