Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu.
duoc-lieu-1712807646.jpg
Trồng dược liệu phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Ảnh: XK

Công điện nêu rõ, thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 04/3/2021.

Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định; việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4/2024.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. Ngoài quế, hồi, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu khác như: thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Giá trị xuất khẩu còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm./.

XK (TCVĐ)