Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Đức Olaf Scholz khẳng định quyết tâm của hai chính phủ trong việc củng cố, cải cách chủ nghĩa đa phương để đối phó với các thách thức.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz, ngày 2/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đoàn cấp cao chính phủ nước này đã thăm chính thức nước Đức.
Hai nhà lãnh đạo có buổi hội đàm chung và cùng nhau chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Ấn Độ lần thứ sáu.
Kết thúc cuộc tham vấn, hai bên nhất trí ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định quan hệ giữa Đức và Ấn Độ dựa trên nền tảng tin cậy lẫn nhau, lợi ích chung phục vụ nhân dân hai nước và các giá trị chung như dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, cũng như các phản ứng đa phương đối với các thách thức toàn cầu.
Hai chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đóng vai trò trung tâm.
Hai bên tái khẳng định quyết tâm của hai chính phủ trong việc củng cố, cải cách chủ nghĩa đa phương để đối phó với các thách thức hiện tại và tương lai; bảo vệ hòa bình và ổn định toàn cầu, tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc cơ bản của giải quyết hòa bình các xung đột cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; nhấn mạnh cam kết trong việc giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực hơn nữa để hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C, hướng tới quá trình chuyển đổi và thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Ấn Độ là đối tác quan trọng của Đức ở châu Á, cả về kinh tế, an ninh và khí hậu. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tổng cộng 14 ý định thư trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ý định thư về quan hệ đối tác vì phát triển xanh và bền vững. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong công nghệ hydro tương lai.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định một trong những nội dung hợp tác trọng tâm của hai bên là cải thiện cơ sở hạ tầng hydro xanh, qua đó thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, khí hậu.
Với những điều kiện rất thuận lợi, Ấn Độ sẽ trở thành một địa điểm sản xuất hydro xanh quan trọng trên toàn cầu trong dài hạn.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, hai bên khẳng định Đức và Ấn Độ là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng. Hai bên khẳng định tiếp tục tuân thủ các quy tắc mở, bao trùm, tự do và thương mại công bằng, nhấn mạnh tầm quan trọng của WTO với tư cách là trung tâm của hệ thống thương mại đa phương và là trụ cột cho sự hội nhập của các nước đang phát triển vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Cả hai chính phủ đều cam kết cải tổ WTO với mục đích tăng cường các nguyên tắc và chức năng của nó.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đàm phán sắp tới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ về Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định bảo hộ đầu tư và Hiệp định chỉ dẫn địa lý, nhấn mạnh tiềm năng to lớn của các hiệp định này trong việc tăng cường thương mại và đầu tư song phương.
Hai bên cũng đã ký một hiệp định về quan hệ đối tác trong lĩnh vực di cư. Đây là hiệp định di cư song phương toàn diện đầu tiên mà Đức đã đàm phán với một quốc gia nơi xuất phát của dòng người di cư./.