Thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Campuchia

Vũ Xuân Kiên
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia, từ 11 tới 13/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc và làm việc với các đối tác song phương và một số doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Campuchia nhằm nắm bắt tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào và Campuchia.
vinamilk-1720868557.png
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm nhà máy chế biến sản phẩm sữa tại Campuchia của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Ngày 13/7, tại Campuchia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và lãnh đạo 16 công ty thành viên tại Campuchia để nắm bắt tình hình hoạt động của các dự án trồng và chế biến mủ cao su tại Lào và Campuchia.

Tính đến nay, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên đã đầu tư 23 dự án tại Lào và Campuchia, với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, tổng diện tích cao su trồng và đưa vào khai thác tại Lào và Campuchia khoảng 115.000 ha. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có 3 nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào và 7 nhà máy tại Campuchia. Doanh thu 2023 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại Lào và Campuchia đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại Campuchia đang tạo việc làm ổn cho hàng vạn lao động địa phương và đóng góp ngân sách đáng kể cho Chính phủ Campuchia.

greenfeed-1720868556.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tới thăm và động viên cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam làm việc tại Lào.

Cũng trong các hoạt động tại Campuchia, ngày 13-7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tới thăm thực địa Dự án trang trại chăn nuôi bò và nhà máy chế biến sản phẩm sữa tại Campuchia của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Đây là dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa lớn nhất tại Campuchia, vốn đầu tư 51,7 triệu USD, có công nghệ chế biến hiện đại, quy mô công suất nhà máy 73 triệu lít sữa/năm; trang trại bò sữa quy mô 1.000 con, sản lượng sữa tươi nguyên liệu 4.000 tấn/năm. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2015, đem lại hiệu quả cao, liên tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, có đóng góp đáng kể cho ngân sách Campuchia.

Phát biểu tại cuộc gặp với đại diện doanh nghiệp tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, kinh doanh tại Lào, nhất là việc nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín, đem lại hiệu quả và có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, dự án cũng tạo nhiều công việc ổn định cho người lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách, góp phần vào sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp, nông thôn tại Lào.

Việt Nam hiện là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào và hiện có 255 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào với tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ USD. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào đã giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân Lào, từng bước nâng cao đời sống của người Lào.