Thúc đẩy xanh hóa ngành hàng không

Vũ Xuân Kiên
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) kêu gọi lĩnh vực sản xuất dầu mỏ, khí đốt và nhiên liệu thay thế cần thúc đẩy sản xuất nhiên liệu xanh cho ngành hàng không. Là ngành tạo ra từ 2-3% tổng lượng khí thải toàn cầu, ngành hàng không đang nỗ lực chung tay đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
hang-khong-1704189619.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Việc hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh gần đây thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% nhiên liệu bền vững đã được coi là dấu mốc mới của ngành hàng không trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon thông qua sử dụng nhiên liệu thay thế.

Hãng hàng không Virgin Atlantic cho biết, nhiên liệu hàng không bền vững sử dụng cho chuyến bay này được chế tạo phần lớn từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải loại, pha thêm một lượng nhỏ dầu hỏa thơm tổng hợp từ ngô phế thải.

Cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không đã trở thành một chủ đề quan trọng được thảo luận ngay trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Theo ước tính, ngành vận tải hàng không tạo ra từ 2-3% lượng khí thải carbon toàn cầu. Việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, hay còn gọi là nhiên liệu thay thế làm từ các nguyên liệu sinh học, có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Tuy vậy, chi phí sản xuất loại nhiên liệu này khá cao.

Trong một nỗ lực nhằm xanh hóa ngành hàng không và đóng góp mạnh mẽ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, các hãng hàng không châu Âu đã đẩy mạnh đầu tư và ký kết các thỏa thuận hợp tác để có được nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đây được xem là bước đi tích cực giúp ngành hàng không châu Âu từng bước đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hãng hàng không Air France-KLM của Pháp đã đầu tư 4,7 triệu USD vào nhà máy sản xuất SAF tại bang Louisiana của Mỹ.

Hãng hàng không giá rẻ Easyjet của Anh ký thỏa thuận cung cấp nhiên liệu thay thế với Q8Aviation, một đơn vị cung cấp nhiên liệu hàng không thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait...

Nhà kinh tế trưởng của IATA Marie Owens Thomsen cho biết, ngành sản xuất dầu mỏ và khí đốt toàn cầu hiện mới chỉ dành 3% ngân sách để đầu tư cho SAF, loại nhiên liệu được coi là giải pháp xanh quan trọng cho ngành hàng không. Theo bà Marie Owens Thomsen, để đáp ứng các mục tiêu môi trường của ngành hàng không thì đến năm 2050 ngành này cần 500 triệu tấn SAF. Công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh của ngành hàng không gặp trở ngại khi các hãng hàng không phải đầu tư một khoản tiền lớn để đạt mục tiêu khí hậu. Bà Marie Owens Thomsen ước tính, các hãng hàng không sẽ phải chi 2,4 tỷ USD trong năm 2024 cho nhiên liệu SAF, bên cạnh các chi phí thông thường khác.

Theo một nghiên cứu mới đây, lượng khí thải hàng không thời gian qua đã giảm mạnh, khi nhu cầu bay công tác phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, hãng theo dõi khí thải giao thông Travel Smart Emissions Tracker cho biết, lượng khí thải carbon từ dịch vụ bay công tác của gần một nửa trong số 217 hãng hàng không toàn cầu đã giảm ít nhất 50% trong giai đoạn 2019-2022, khi nhiều khách hàng doanh nhân lựa chọn giải quyết công việc bằng hình thức hội nghị trực tuyến hoặc đi công tác bằng tàu hỏa.

Trước xu thế đó, các hãng hàng không châu Âu buộc phải thay đổi chiến lược, cố gắng bù đắp sự sụt giảm khách hàng doanh nhân bằng cách bán các vé hạng sang nhiều hơn cho khách hàng thông thường. Tuy vậy, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không nhìn chung vẫn đang tăng. Mới đây, IATA dự báo, lưu lượng khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu trong năm 2024 vượt mức trước đại dịch Covid-19, do nhu cầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi hoàn toàn.

Các hãng hàng không đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải carbon khi nhu cầu đi lại của người dân dần phục hồi. Dù còn nhiều thách thức chờ đợi ngành hàng không trên hành trình chuyển đổi xanh phía trước, song những nỗ lực xanh hóa lĩnh vực này trong hiện tại là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hiệu quả hơn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.