Thương mại điện tử “Xanh hóa” nhờ bao bì thân thiện môi trường

Vũ Xuân Kiên
Nhanh, tiện, giá hợp lý và yêu cầu đảm bảo chất lượng của người mua đã buộc nhà bán hàng qua thương mại điện tử tăng sử dụng nguyên vật liệu trong đóng gói.

Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững

Theo báo cáo của Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững, đặc biệt là tác động xấu tới môi trường. Tại Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 - Hướng tới thương mại điện tử xanh tổ chức mới đây, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: “Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, khâu giao hàng như: Xe cộ chạy trên đường, thải lượng lớn khí carbon; hay khâu đóng gói hộp carton, bao bì ni lông, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần,… đã tác động không nhỏ tới môi trường”.

tr-420230728105459-1690532981.jpg
Vietnam Post đã quan tâm đến xu hướng xanh trong dịch vụ chuyển phát bưu chính

Mang 2 bức ảnh từ 2 lần gọi đồ ăn đến diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), phải thốt lên “quá nhiều bao bì nhựa và nilon”. Đây cũng là mặt trái của xu hướng tiêu dùng nhanh hiện nay, đang được hỗ trợ bởi thương mại điện tử.

Theo ông Hưng, thời gian qua, thương mại điện tử phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm. Dự kiến quy mô thị trường đạt 49 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nghĩ đến phát triển thương mại điện tử bền vững.

Cũng đưa ví dụ tại diễn đàn, một doanh nghiệp vận chuyển cho biết, với những đơn hàng dễ vỡ, để đáp ứng yêu cầu của khách, cửa hàng đã yêu cầu đơn vị vận chuyển đóng gói nhiều lớp. Việc này làm tăng lượng rác thải lớn ra môi trường. “Do tỉ lệ hàng móp méo nhiều nên các nhà bán hàng thay vì sử dụng bìa carton 3 lớp phải dùng bìa 5 lớp. Không chỉ giấy vụn để lót mà phải thêm bìa xốp chống sốc, thậm chí thay vì dán 2 đường băng keo phải dán kín hộp, kín các góc cạnh” - đại diện doanh nghiệp cho biết.

Thừa nhận tình trạng móp méo hàng hóa là nguyên nhân khiến nhà bán hàng phải đóng gói kĩ lưỡng hơn, ông Phan Trọng Lê - Trưởng ban Chiến lược và Thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng thừa nhận ở Việt Nam, tiêu chuẩn về đóng gói còn kém. Tại các nước phát triển, họ quy định về kích cỡ hộp đóng gói, các cửa hàng, doanh nghiệp vận chuyển chỉ việc mua về và đóng gói vào các sản phẩm phù hợp. Nhưng ở Việt Nam, mỗi loại hàng đóng gói một kiểu.

Pháp luật về thương mại điện tử chưa có quy định “xanh”

Chia sẻ kinh nghiệm giảm rác thải trong khâu đóng gói, ông Vũ Quốc Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 - 30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Do vậy, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót.

Vietnam Post là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa. Đơn vị hiện có 100 chiếc container trên 2 tàu container nhanh Hà Nội - Bình Dương (2021), lưu thoát khoảng 300 tấn hàng. Việc xanh hóa hoạt động vận tải giúp Vietnam Post giảm lượng khí thải CO2 khoảng 8,8 lần.Với hoạt động đóng gói, Vietnam Post ưu tiên sử dụng túi giấy, túi vải, chai lọ bình thủy tinh tại hơn 13.000 điểm phục vụ, số hóa tài liệu, quy trình để giảm thiểu in ấn, sử dụng giấy.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp như Lazada, Grab, Vietnam Post hay một số tổ chức xã hội nghề nghiệp đã quan tâm đến xu hướng xanh và có những hành động cụ thể. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vận chuyển nhỏ lẻ thì việc giảm thiểu phát thải từ hoạt động đóng gói, vận chuyển vẫn là một vấn đề lớn.

Hơn hết, trong các chiến lược về phát triển thương mại điện tử hay cả những quy định liên quan về pháp luật thương mại điện tử của Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến điều khoản doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp thương mại điện tử phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường.

Đồng tình với quan điểm yếu tố “xanh” còn vắng bóng trong các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử Việt Nam, ông Lã Hoàng Trung - Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong chiến lược phát triển ngành bưu chính đến năm 2025 đặt ra 5 mục tiêu và 8 giải pháp nhưng yếu tố “xanh hóa”, “bảo vệ môi trường” chưa có trong chiến lược này. “Mới đây, tôi có tham dự Diễn đàn bưu chính thế giới, chủ yếu vẫn là các nước phát triển như Pháp, Anh nói về bưu chính xanh, còn với các nước phát triển, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức”- ông Trung nói.

Vụ trưởng Vụ Bưu chính cũng cho biết, sẽ kiến nghị đưa nội dung bưu chính xanh vào luật. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả ngay cần phải đưa yếu tố tuân thủ bảo vệ môi trường vào quy định cấp phép cho doanh nghiệp thương mại điện tử.