Tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ gia đình nhà văn Sơn Tùng

Nguyễn Ánh Hiền
Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), sáng 5/5, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng. Đây là lần thứ ba Trung tâm được tiếp nhận khối tài liệu lớn của cố nhà văn gồm nhiều tài liệu giấy, băng ghi âm, ghi hình kỷ vật.

anh-1-tiep-nhan-1649-1683338209.jpg

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa (bên trái) tiếp nhận các tài liệu của nhà văn Sơn Tùng từ ông Bùi Sơn Định - con trai cố nhà văn.

Nhà văn Sơn Tùng (1928-2021), tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông có 10 năm (1944-1954) hoạt động cách mạng ở quê nhà với vai trò: làm giao thông mật cho 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành; Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc xã Diễn Kim; Bí thư Huyện Đoàn Thanh niên Cứu quốc huyện Diễn Châu và Tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nghệ An.

Thời gian hoạt động ở Tỉnh Đoàn Nghệ An, nhà văn Sơn Tùng có may mắn được gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (là chị ruột, anh ruột Bác Hồ). Ngoài ra, ông còn được gặp những người thân bên họ ngoại của Bác, do đó hiểu về những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ ở làng Chùa, làng Sen (Nam Đàn) và thời gian theo cha mẹ vào Huế (1895).

Cuối năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Sơn Tùng ra Hà Nội công tác và học tập tại trường Đại học Nhân Dân, được giữ lại làm trợ giảng của trường, rồi làm giảng viên Khoa Báo chí. Sau khi khoa giải thể nhập về trường Tuyên huấn Trung ương, ông về làm tại Báo Nông nghiệp (tiền thân Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày nay), sau đó chuyển về Báo Tiền Phong.

Năm 1965, phóng viên Sơn Tùng làm tổ trưởng, đặc phái viên thường trú báo Tiền Phong tại khu IV. Cuối năm 1967, ông xung phong vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2). Từ thực tế chiến trường, ngoài viết tin bài, ông còn làm thơ, viết ký, truyện ngắn gửi ra bắc đăng trên Báo Tiền Phong. Ông miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này.

Ngày 15/4/1971, máy bay Mỹ bắn phá vào căn cứ mới sơ tán của Trung ương Cục, Sơn Tùng bị thương rất nặng do mảnh đạn M79 găm vào người. Ông bị 14 vết thương, 3 mảnh trong đầu không lấy ra được và 1 mảnh ở vai trái; bàn tay phải co quắp, chỉ có 2 ngón cử động được; mắt phải thị lực chỉ còn 1/10, phải đưa ra miền bắc điều trị, mất 81% sức khỏe.

Mặc dù vậy, sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975), ông vẫn cùng vợ là bà Phan Hồng Mai lặn lội vào Sài Gòn, Cao Lãnh, Phan Thiết, Huế... tìm đến những nơi mà một thời Bác Hồ và gia đình đã sống và làm việc, để hỏi han ghi chép lại những câu chuyện về Bác và gia đình…

Sơn Tùng không chỉ là một chiến sĩ tham gia hoạt động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là một phóng viên, một nhà tuyên truyền, mà hơn hết, ông còn là một nhà văn với nhiều sáng tác thuộc các thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim…

Trong đó, đề tài được ông tâm huyết và dày công sáng tác là về Bác Hồ và các danh nhân văn hóa dân tộc. Ông có 16 đầu sách viết về Bác Hồ, nổi bật nhất là tác phẩm “Búp sen xanh”- cuốn sách nằm lòng của nhiều lớp thanh thiếu niên và thế hệ người dân Việt Nam…

Ghi nhận đóng góp của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh và danh nhân cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, cũng như nghị lực phi thường của một thương binh nặng “tàn nhưng không phế”, ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động.

Sinh thời, ông từng gửi nhiều bản thảo, tác phẩm vào cơ quan lưu trữ quốc gia để những trang văn, nét chữ của ông có cơ hội đồng hành lâu dài cùng độc giả và những người quan tâm. Ông là một trong những cá nhân từ rất sớm đã tin tưởng gửi gắm những “đứa con tinh thần” của mình vào cơ quan lưu trữ.

anh-2-ban-thao-viet-tay-1552-1683338250.jpg

Một số bản thảo viết tay, đánh máy các tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng.

Tại buổi lễ, đại diện gia đình nhà văn Sơn Tùng đã trao lại cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhiều tài liệu của cố nhà văn. Trong đó, tiêu biểu là các bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Sen vàng-con đường từ Huế”, “Chiến khu lõm”, “Người vẽ cờ Tổ quốc”, “Từ con đường ấy”, “Cô đơn Người chẳng bao giờ cô độc”, “Con đường và con người”, “Người Sài Gòn trong đêm Hà Nội đánh B52”, "Truyện Trần Phú”, “Nhớ Nguồn”, “Mở khúc hành xuân”, “Những ngày bên Bác”... và các bài viết gồm: “Tấm lòng Bác với tấm khăn người mẹ Thái”, “Bác vẫn còn nhớ Hội An”, “Chân dung một con người”, “Bóng mát Bác Hồ”, “Kim Côn nghệ sĩ nhiếp ảnh Bác Hồ”, “Người thủy thủ huyền thoại”, “Nhớ một cái tết Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh sang thế kỷ”, “Những chuyện về Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”…

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình cố nhà văn gửi bảo quản tại Trung tâm 15 băng ghi âm, ghi hình “Bác Hồ đến Mỹ”, “Người chụp ảnh Bác Hồ”, “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”… cùng nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sáng tác của nhà văn như radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, các loại kính, bản khắc dấu, các huân chương, huy chương, kỷ niệm chương…

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nhận định: Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm từ chính ngòi bút của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Những tư liệu này cũng là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc ở những góc nhìn chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa. Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là một thương binh nặng có công với nước, mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện chỉnh lý, sắp xếp khoa học và phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu này, đưa tài liệu đến với công chúng và phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.