Đại biểu trình bày tham luận tại Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. |
Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh tại Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Việt Nam do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.
Đây cũng là sự kiện tiếp nối chuỗi Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng chống xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử" do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức trước đó.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Thành Hiếu cho rằng, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của cả thế giới, nhất là từ sau đại dịch Covid-19. Nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của thương mại điện tử trong phát triển kinh tế, từ nhiều năm trước, nhà trường đã đưa nội dung này vào quá trình giảng dạy.
Đặc biệt, kể từ khi Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành Quản lý thị trường thì thương mại điện tử là một trong những nội dung được nhà trường chú trọng.
Rõ ràng, thương mại điện tử là xu thế tất yếu vì những lợi ích mà nó mang lại tuy nhiên bên cạnh đó đã phát sinh nhiều bất cập trong đó điển hình là việc trà trộn kinh doanh các mặt hàng giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chung quan điểm, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh, thương mại điện tử hiện là môi trường hoạt động chủ yếu không chỉ của người bán, người mua mà cả với lực lượng chức năng.
Với xu thế này hàng giả hàng nhái kinh doanh qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến và đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới.
Để công tác phòng, chống, đấu tranh của lực lượng chức năng mang lại hiệu quả thì phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể "tay không bắt giặc". Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường |
Theo ông Linh, nếu không có những chế tài phù hợp thì thương mại điện tử sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ, ở những hội thảo trước, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân, thực trạng và đưa ra được những giải pháp để phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử. Còn trong diễn đàn hôm nay sẽ tập trung vào những giải pháp về mặt công nghệ để phòng chống hàng giả.
Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh phát biểu tại diễn đàn. |
Theo các chuyên gia cùng tham dự diễn đàn, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả.
Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí các nguồn lực xã hội trong việc nghiên cứu các giải pháp chống giả riêng của từng đơn vị.
Phó Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình khẳng định tầm quan trọng của diễn đàn được tổ chức lần này đối với lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Qua đó, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến và bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử một cách bền vững tại Việt Nam.
QUYÊN LƯU