Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Ninh

Vũ Xuân Kiên

Chiều 6.4, tiếp tục chuyến công tác tại Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư…

Về phía tỉnh Quảng Ninh có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Quảng Ninh - địa phương đi đầu đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ

Quảng Ninh là địa phương có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại (là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc). Tỉnh có diện tích đất liền 6.102 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, 177 đơn vị cấp xã, 1.543 thôn, bản, khu phố; có dân số khoảng 1,34 triệu người, 22 dân tộc anh em. Đảng bộ tỉnh có hơn 105 nghìn đảng viên, 20 đảng bộ trực thuộc, 695 tổ chức cơ sở đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Báo cáo Tổng Bí thư và Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Thông báo số 108-TB/TW ngày 1.10.2012 của Bộ Chính trị và hơn 5 năm thực hiện Thông báo số 06-TB/VPTW ngày 9.5.2016 của Văn phòng Trung ương về “kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư tại Quảng Ninh”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa XIII, XIV, XV đã giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; giữ vững sự ổn định, liên tục kế thừa, đổi mới, phát triển; tập trung khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, giải quyết các mâu thuẫn, thách thức; tự lực, tự cường phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững; giảm nhanh khoảng cách chênh lệch vùng miền. Quảng Ninh giữ gìn, khơi dậy và phát huy tối đa bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2020 theo kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, với 10 nhiệm vụ trọng tâm, nhất là 2 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết số 04, 18, 19, 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW, các quy định, quy chế, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh bức tranh gốm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng phẩm lưu niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

13/13 địa phương cấp huyện tiếp tục duy trì triển khai hiệu quả mô hình Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng, vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh theo chủ trương cho thí điểm của Ban Bí thư.

Quảng Ninh đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ: Tăng cường thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 2/13 đơn vị cấp huyện, tại 127/177 (bằng 71,75%) đơn vị cấp xã; bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 100% đơn vị cấp huyện và tại 154/177 (bằng 87,01%) đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin, Đảng cử”. Thực hiện rộng rãi việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển cạnh tranh công khai, minh bạch, dân chủ.

Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng bảo đảm gắn kết chặt chẽ với thanh tra, kỷ luật hành chính, đồng bộ với kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử. Trong năm 2021, trên tinh thần xử lý nghiêm các sai phạm, đã thi hành kỷ luật 797 đảng viên (trong đó có 198 cấp ủy viên các cấp), tăng 44,4% so với năm 2020; 27 tổ chức đảng, gấp 3,4 lần so với năm 2020; song vẫn giữ được sự ổn định, đoàn kết trong toàn Đảng bộ để phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2021 đứng thứ 2 cả nước

Kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%, cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một địa phương đi đầu đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc. Đặc biệt, năm 2020 và 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, Quảng Ninh là một trong những điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới” thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021) và chủ động chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn và giành được những kết quả tích cực bước đầu, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nhanh chóng ngành du lịch.

Năm 2021, trong điều kiện tổng lượng khách du lịch giảm 49% cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch giảm 47% cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vẫn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước).

Tổng thu ngân sách nhà nước cả năm 2021 đạt hơn 52 nghìn tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế năm 2021 đạt hơn 238 nghìn tỷ đồng, gấp 1,87 lần so với năm 2016, tăng trên 10% cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 7.614 USD (so với năm 2010 là 2.431 USD và năm 2015 là 4.231 USD). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể. Năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 320 triệu đồng/người, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2021 đạt trên 67,5% (nằm trong nhóm cao nhất cả nước).

Tổng thu hút vốn ngoài ngân sách năm 2021 đạt hơn 362 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 94 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% cùng kỳ. Năm 2021, có 2.065 đơn vị đăng ký thành lập mới, vượt chỉ tiêu 65 doanh nghiệp.

Toàn tỉnh có 9/13 địa phương cấp huyện, 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều bền vững đến hết năm 2021 chỉ còn 0,1% (so với năm 2010 là 7,65%; năm 2016 là 3,39%).

Tỉnh thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương (chiếm 53%), riêng chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh chiếm 65% tổng chi ngân sách tỉnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31.12.2021 đạt 150% theo số kế hoạch Trung ương giao (nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước), đạt trên 95% theo kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Quý I.2022, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh ước đạt 8,01%, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.550 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình chiến lược, dự án động lực, như Cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình yêu), đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Trường THPT Hòn Gai, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước đột phá. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có bước đột phá, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước với các mô hình đổi mới hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển...

Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; duy trì khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác phát triển; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng thẳng thắn chỉ rõ một số điểm còn hạn chế, như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện có có nội dung, có việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, du lịch không đạt mục tiêu đề ra. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai... có mặt còn hạn chế.

Cùng với đó, một số mâu thuẫn đã được phát hiện, nhận thức sâu sắc, từng bước giải quyết, nhưng công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu thì thực tiễn Quảng Ninh lại xuất hiện những thách thức mới đòi hỏi năng lực tư duy cao hơn, nghệ thuật xử lý tốt hơn, không thể chủ quan, tự mãn. Đó là giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng xung đột với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa bảo đảm phát triển bền vững với hóa giải những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, của thách thức an ninh phi truyền thống; giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, bảo vệ môi trường; giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trí Dũng /TTXVN

Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại

Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá đến năm 2025. Về mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Về tầm nhìn định hướng phát triển, đến năm 2030, Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; GRDP bình quân đầu người trên 15 nghìn USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Về quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh xác định tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại; hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.

Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Thông báo số 108-TB/TW, ngày 1.10.2012 của Bộ Chính trị về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” và các chỉ đạo của Trung ương đối với Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hình thành hệ quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Trung ương đối với Quảng Ninh khi chuyển sang thời kỳ phát triển mới nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng, vai trò, trách nhiệm của một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Bộ Chính trị chỉ đạo đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 28.10.2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, cho chủ trương về việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và mô hình phát triển vùng và cơ chế điều phối vùng. Trong đó, có cơ chế chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; xây dựng khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái- Đông Hưng tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả các mô hình ở cấp huyện gồm: Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Quảng Ninh đề nghị Trung ương cho phép Đảng bộ tỉnh tiếp tục được thực hiện mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan hợp nhất, sáp nhập như hiện nay, duy trì sự ổn định phát triển phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy, cán bộ của tỉnh.

Thanh Tâm (theo Đại biểu nhân dân)