Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho

Tran Huy

Tại cuộc tiếp đoàn công tác của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) ngày 24/2, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Sau hơn 30 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc tiến triển vượt bậc, thực chất và toàn diện. Trong đó, hợp tác đầu tư của Tập đoàn Samsung là một minh chứng sinh động.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp đoàn công tác của Tập đoàn Samsung. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp đoàn công tác của Tập đoàn Samsung. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Ðồng chí đánh giá cao vai trò của Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam, cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam. Việc Samsung chính thức đặt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quy mô lớn nhất khu vực Ðông Nam Á tại Hà Nội có ý nghĩa lớn đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như hợp tác giữa hai nước.

Ðồng chí đề nghị Samsung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông minh; hợp tác nghiên cứu, liên kết mạng lưới các chuyên gia, trí thức với Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cảm ơn về sự hỗ trợ của các cơ quan Việt Nam, giúp Samsung vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, đồng thời tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Choi Joo Ho khẳng định, Samsung sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của quan hệ giữa hai nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)

* Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng TRẦN LƯU QUANG chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, kết nối trực tuyến với các địa phương trên cả nước.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NÐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31/3. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2023 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống quy định khung, văn bản quản lý, điều hành, giúp các địa phương có đầy đủ căn cứ tổ chức triển khai thuận lợi các chương trình này,…

Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ít nhất 5 lần lưu ý phải hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, thậm chí gây rủi ro về công tác cán bộ; các địa phương tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn được giao theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể; rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi giao cho cấp xã làm chủ đầu tư;

Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời mong muốn Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục giám sát, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và đề xuất từ cơ sở, qua đó giúp việc tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân.