Ảnh nguồn: internet
Việt Nam đang thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” để phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển trên thế giới hiện nay. Để đổi mới căn bản và toàn diện cần phải thực hiện đồng bộ nhiều khâu và phải có lộ trình. Song trước hết phải bắt đầu từ lý luận về giáo dục, trong đó có Triết lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Để có thể hiểu và khái quát được Triết lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay, nhất thiết phải trở về lịch sử và triết lý giáo dục truyền thống.
Lịch sử giáo dục hình thành và tồn tại cùng với lịch sử của một nền văn minh, lịch sử của một tộc người, một quốc gia dân tộc. Việt Nam bước vào buổi bình minh của lịch sử từ thế kỷ thứ VII TCN, gắn liền với văn minh Đông Sơn, thời đại các Vua Hùng. Giáo dục lúc đó mới manh nha với phương thức truyền dạy kinh nghiệm sống qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ trong gia đình, cộng đồng (chiềng, chạ, làng,…). Người giữ nhiều tri thức kinh nghiệm là tù tưởng, tộc trưởng, thủ lĩnh quân sự, thầy mo,… tri thức kinh nghiệm được đúc kết qua thực tiễn cuộc sống. Vì chưa có chữ viết nên sự truyền dạy tri thức còn mang tính tự phát. Sang thời Bắc thuộc, do sự du nhập của Tam giáo, trong đó Nho giáo và Phật giáo đóng vai trò quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần mà còn trong lĩnh vực giáo dục. Các con em quí tộc được học chữ Hán. Xuất hiện hình thức dạy học tư nhân. Thầy dạy là các Nho sĩ, nhà sư. Nhâm Diên, Tích Quang, Sĩ Nhiếp là các Thái thú nhà Hán, đứng đầu Giao Chỉ đã có công “mở học hiệu để dạy chữ”. Sĩ Nhiếp – Thái thú Giao châu vào khoảng những năm 187 – 226, là người có công trong việc dạy học, sau này được tôn là “Nam giáo học tổ”.
Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay
Triết lý không chỉ là sự phản ánh mà còn là những tổng kết, định hướng hoạt động thực tiễn về một lĩnh vực hoạt động nào đó của con người. Triết lý thường được thể hiện dưới hình thức một mệnh đề có hàm chứa một tư tưởng, một phương châm hành động. Triết lý giáo dục, vì thế cũng là một tư tưởng, một phương châm định hướng hoạt động giáo dục.
Nếu xem giáo dục là một chỉnh thể thì nó được tạo bởi nhiều yếu tố. Các yếu tố có vị trí, vai trò khác nhau, chi phối nền giáo dục của một quốc gia, dân tộc. Vậy muốn xây dựng một triết lý giáo dục cho nền giáo dục Việt Nam hiện đại, thì cần thiết trở lại triết lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam truyền thống trong mối tương tác giữa các yếu tố cấu thành.
Nền giáo dục cách mạng do Hồ Chí Minh sáng lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã để lại cho chúng ta những triết lý cần phải tiếp tục kế thừa và phát triển. Hồ Chí Minh cho rằng, hai yếu tố căn bản của nền giáo dục cách mạng là người dạy và người học. Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, trong phong trào thi đua “Hai nhất” của ngành giáo dục, Hồ Chí Minh chủ trương “dạy tốt, học tốt”. Để dạy tốt thì người thầy phải gương mẫu về đạo đức, vững vàng về tri thức, tinh thông về nghiệp vụ. Theo tinh thần của C. Mác: “…bản thân nhà giáo cũng cần phải được giáo dục” 3 , Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục cách mạng, tiên tiến song vẫn giữ được tinh túy của giáo dục truyền thống, đề cao và phát huy giá trị của các vĩ nhân, nhấn mạnh việc học đạo đức Nhân - Nghĩa của Khổng Tử, đạo Từ bi của Phật Thích Ca, đạo đức Bác ái của Chúa Giê-su, phương pháp làm việc biện chứng của C.Mác, chính sách Tam dân của Tôn Dật Tiên. Người tự nhận mình là “học trò nhỏ của các vị ấy”.Theo Hồ Chí Minh, mục đích học tập là để biết, để phụng sự nhân dân, Tổ quốc. Người yêu cầu “học phải đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn”, chống cả hai khuynh hướng bệnh giáo điều và bệnh kinh nghiệm trong học tập. Nội dung học tập, theo Người, phải toàn diện, phải giáo dục cả văn, trí, thể, mỹ cho học sinh. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày kha trường năm học 1946, Người nhấn mạnh vai trò của đối tượng giáo dục rằng, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về triết lý giáo dục Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam đang trên quá trình hội nhập và phát triển. Thiết nghĩ, với tinh thần tiếp thu giá trị của nền giáo dục Việt Nam truyền thống, kết hợp với tinh hoa giáo dục của nhân loại, trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện chúng ta sẽ xác định được triết lý giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Song theo tinh thần của V.I. Lênin: “Học, học nữa, học mãi”và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, chúng ta có thể lấy “học suốt đời” và “dạy tốt, học tốt” làm triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay.