Quang cảnh hội thảo |
Chủ tịch Hội đồng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam PGS.TS Phạm Quốc Bình đã tóm tắt các nội dung chính của Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong cơ chế tự chủ, gồm: chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong cơ chế tự chủ, xây dựng công cụ quản trị, cách quản lý công việc hiệu quả, mô hình chi trả thu nhập tăng thêm.
Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học đang được áp dụng tại Trường đại học Y dược Cần Thơ. Đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất thuộc khối sức khỏe trên cả nước thực hiện cơ chế tự chủ.
Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Cần Thơ GS.TS Nguyễn Trung Kiên nhìn nhận: Chỉ có tự chủ mới giúp trường phát triển và hội nhập. Năm 2020, bước ngoặt mới của Trường Đại học Y dược Cần Thơ là thay đổi mô hình quản trị. Có hai phương thức: quản trị theo mục tiêu và quản trị theo quá trình. Theo đó, các trường lựa chọn phương thức tối ưu để đạt được mục tiêu tổ chức.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên đánh giá, cả hai phương thức trên đều có ưu, nhược điểm riêng nên cần tính toán, dung hòa khi áp dụng vào thực tiễn để đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, cần lấy quản trị theo mục tiêu là chính. Cụ thể, phải đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn chiến lược. Muốn quản trị theo mục tiêu cần bảo đảm các điều kiện như xác định được khung thời gian và xây dựng được mục tiêu; phải có công cụ quản lý; phải sử dụng được kết quả đánh giá.
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế, nâng cao chất lượng tạp chí khoa học, Phó trưởng Phòng Khoa công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, PGS.TS Nguyễn Thắng đã đưa ra 12 lý do "Vì sao phải công bố bài báo khoa học trong các tạp chí có uy tín?".
Theo đó, việc công bố bài báo khoa học trong các tạp chí có uy tín sẽ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại; lưu trữ công trình nghiên cứu; công trình nghiên cứu được nhận diện ở quốc gia hoặc quốc tế; lan tỏa kết quả nghiên cứu đến với nhiều người; khẳng định vị trí của bạn trong bản đồ các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, có cơ sở để xin tài trợ từ các quỹ hoặc các tổ chức trong và ngoài nước; để đủ điều kiện hoặc thuận lợi được đề bạt, phát triển chuyên môn; để đủ điều kiện để bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc nhận bằng tiến sĩ; để có điểm cộng hoặc thuận lợi khi xin học và/hoặc xin học bổng; để trả sản phẩm đầu ra của dự án được tài trợ; để tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; để được nhận tiền thưởng.
Về kinh nghiệm nâng cao chất lượng tạp chí khoa học, Phó Tổng biên tập Tạp chí Y dược học Cần Thơ PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân nhấn mạnh đến 3 yếu tố quan trọng gồm: Quản trị, Ban biên tập và chất lượng bài báo.
Riêng về chất lượng bài báo, theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân cần chú ý đến hình thức, định dạng, bố cục, tài liệu tham khảo, phản biện kín 2 chiều và nguồn tác giả. Bài báo có tóm tắt bằng cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Chất lượng công trình nghiên cứu phải có tính mới, khoa học và đóng góp kiến thức mới cho ngành, lĩnh vực.
QUỲNH NGUYỄN