Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp

Vũ Xuân Kiên
Sáng ngày 23-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), phối hợp cùng Tổng hội NN-PTNT Việt Nam tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong nâng cao sản xuất nông nghiệp".

Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, cũng như doanh nghiệp, nông dân vì những ưu thế, lợi ích mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Ngày 26-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, phục vụ việc truy xuất, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.

ntk-9503-1679563424.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam cho rằng: Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy móc này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Trí tuệ nhân tạo giúp tăng năng suất cây trồng, kiểm soát dịch bệnh và các điều kiện trong trồng trọt (đất, phân bón, nước, không khí, ánh sáng...), tổ chức dữ liệu, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các công việc trong sản xuất nông nghiệp.

ntk-9656-2-1679563424.jpg
Ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới tại tỉnh Hà Nam.

Theo Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam thì cho rằng: Trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp, giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động tới môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu thị trường.