Vẫn còn nhiều bất đồng tại Hội nghị Bộ trưởng WTO

Tran Huy
Các bộ trưởng thương mại của các nước trên thế giới vẫn bất đồng về vấn đề trợ cấp đánh bắt cá, nông nghiệp và gia hạn thuế hải quan thương mại kỹ thuật số, trong khi Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại thế giới (MC13) kéo dài hơn dự kiến.
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 13 ở Abu Dhabi, UAE ngày 26/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 13 ở Abu Dhabi, UAE ngày 26/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Không có dấu hiệu đột phá trong ngày 29/2 tại Hội nghị MC13 ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), do 164 quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa tìm được tiếng nói chung về 3 vấn đề chính nói trên, vốn chi phối chương trình nghị sự của hội nghị. Ban tổ chức đã phải lùi phiên bế mạc chính thức sang 14 giờ chiều 1/3 theo giờ địa phương (17 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Trả lời báo giới đầu ngày 1/3, người phát ngôn WTO Ismaila Dieng nhấn mạnh các bộ trưởng đang làm việc hết sức khẩn trương và đạt được tiến bộ thực sự. Tuy nhiên, việc đàm phán đang gặp khó khăn vì các mối liên kết giữa những lĩnh vực đang đàm phán. Các bộ trưởng sẽ xem xét văn bản xuyên đêm và sẽ tập hợp lại vào sáng cùng ngày.

Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng có thể có sự đột phá, nhưng vẫn có những điều kiện phức tạp, "cân não" mà các bên đặt ra ngay cả đối với những vấn đề ít gai góc hơn như hạn chế trợ cấp đánh bắt cá.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nhận định, việc lùi thời điểm bế mạc hội nghị cho thấy các đại biểu vẫn đang cố gắng giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, trong vai trò người điều phối các cuộc đàm phán nhằm gia hạn lệnh cấm 25 năm về thuế hải quan kỹ thuật số, ông McClay cho biết vẫn chưa có những tiến triển cho thấy có thể vượt qua được bế tắc trong vấn đề này.

Theo các nguồn thạo tin khác, trong bối cảnh các cuộc biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu và Ấn Độ, các thỏa thuận nông nghiệp đã nổi lên như một chủ đề tranh luận đặc biệt nhạy cảm. Các quốc gia thành viên đang cố gắng đàm phán để đạt được một văn kiện liệt kê các chủ đề cần thảo luận thêm. Hai văn bản dự thảo đang được các bộ trưởng thảo luận. Ấn Độ, quốc gia quan tâm đến các quy tắc lâu dài quản lý việc dự trữ lương thực, đang thúc đẩy một thỏa thuận an ninh lương thực độc lập tại MC13. Tuy nhiên, những nước khác như Mỹ và Liên minh châu Âu, đang yêu cầu một thỏa thuận nông nghiệp mang tính bao quát hơn.

Trong khi đó, một thỏa thuận về đánh bắt hải sản ban đầu được đánh giá có thể đạt được trong các cuộc đàm phán tại MC13. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết, "rất khó để đạt được một nghị quyết".

Sau thỏa thuận năm 2022 cấm các khoản trợ cấp "tiếp tay" cho hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, WTO hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thứ hai tập trung vào các khoản trợ cấp dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và đánh bắt quá mức.

Về vấn đề gia hạn miễn trừ thuế hải quan kỹ thuật số, Bộ trưởng Goyal cho biết nước này chờ đợi động thái từ các quốc gia khác, khi đó mới đưa ra quyết định có thỏa hiệp gia hạn hay không. Quan chức này đồng thời cảnh báo rằng không thể coi việc gia hạn là "điều hiển nhiên".

Trước đó, ngày 28/2, Bộ trưởng Goyal tuyên bố Ấn Độ sẽ chỉ phê chuẩn các thỏa thuận mới tại MC13 nếu Mỹ ngừng chặn một thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận quy định việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào tòa phúc thẩm của WTO, cơ quan giải quyết tranh chấp cao nhất của tổ chức này.

TTXVN