Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong gian đoạn hiện nay

Vũ Xuân Kiên

(tapchivietduc.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kết tinh của văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nói riêng là tài sản tinh thần vô giá, tạo nền tảng quan trọng cho Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đấu tranh cho độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, tự do dân chủ cho nhân dân, công bằng hạnh phúc cho mọi người, cho hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc, cho sự phát triển các mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người sáng lập và rèn luyện ĐCSVN, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn.

Người là sự kết tinh của những tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam: yêu nước, thương nòi, ý chí độc lập tự cường dân tộc. Người là hiện thân của tính nhân đạo cao cả, tính nhân văn rộng lớn và tinh hoa văn hóa nhân loại. Người tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và các nền văn hóa phương Tây,….với sự hiểu biết rất sâu sắc các nền văn hóa của thế giới, thông qua hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú đã tạo nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là “tấm gương tuyệt vời về con người mới”- tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân,” có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cao mà gần, rực rỡ nhưng không chói mắt, vĩ đại nhưng rất đỗi giản dị”. Nét nổi bật trong nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh là những phẩm chất của một nhà chính trị thiên tài, có lý tưởng mãnh liệt, có ý chí kiên cường, có trí tuệ sáng suốt và có tầm nhìn xa, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng, biết trọng dụng nhân tài. Những phẩm chất đó đã giúp Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn quyết sách, ứng biến kịp thời trước mọi diễn biến phức tạp của thời cuộc, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, cập bến bờ thắng lợi vẻ vang.

Đi bốn biển năm châu, Hồ Chí Minh vẫn giữ trọn những giá trị truyền thống dân tộc: Tính cộng đồng (đi xa vẫn giữ nguyên tình cảm quê hương; vẫn giữ giọng xứ Nghệ; nhớ bạn từ thuở câu cá); lối sống giản dị, hài hòa thiên về âm tính, trọng tình (nhà sàn, kính già, mến trẻ, quý trọng phụ nữ, chung thủy với bạn bè, chan hòa với thiên nhiên; thơ ca) và lựa chọn: ”Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với danh lợi”.

 Hồ Chí Minh tích hợp truyền thống văn hóa phương Đông, thể hiện ở tư duy tổng hợp và trực giác. Người thích tóm gọn phép ứng xử trong một vài từ, đường lối đoàn kết, cách sống cần kiệm, liêm chính; chủ trương dĩ bất biến, ứng vạn biến; mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc mà Người đúc rút từ Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Hồ Chí Minh kết hợp nhuần nhuyễn lối tư duy tổng hợp của truyền thống văn hóa phương Đông với tư duy phân tích, lý tính của truyền thống văn hóa phương Tây. Thể hiện qua các bài phóng sự, bút chiến, tiểu phẩm...và tích hợp giá trị văn hóa Đông - Tây với tinh hoa của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ sức tích hợp tri thức Đông - Tây, khả năng dung hợp nhuẫn nhuyễn mà Hồ Chí Minh có được tầm nhìn rộng lớn, đề ra và giải quyết nhiều vấn đề vượt trước thời đại. Thấy được vai trò của trí thức, nên Người đã trân trọng mời nhiều trí thức Việt kiều về xây dựng đất nước sau năm 1945. Ngày 04/10/1945 phát động phong trào Bình dân học vụ. Từ 1960, Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây, trong khi đó, cuối Thế kỷ XX, UNESCO mới đặt ra vấn đề xóa nạn mù chữ và trồng cây bảo vệ môi trường, giữ cân bằng sinh thái.

Do có những đóng góp lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ủy ban văn hóa, khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nói riêng là tài sản tinh thần vô giá, tạo nền tảng quan trọng cho Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hoá được thể hiện trên những nội dung cơ sản sau:

Một là, văn hóa là động lực phát triển của đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa là một mặt trận của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống con người, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, đối với việc xây dựng tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Theo Người, văn hóa “phải soi đường cho quốc dân đi”. Muốn vậy, văn hóa phải gắn liền với đời sống, với lao động sản xuất, có “nội dung thiết thực, có ý nghĩa giáo dục”, phù hợp với trình độ của quần chúng, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Văn hóa phục vụ nhân dân lao động không chỉ là đưa văn hóa đến cho nhân dân lao động mà còn là đưa nhân dân lao động đến với văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân lao động nắm lấy văn hóa, làm chủ văn hóa.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là một mặt trận của cách mạng. Tư tưởng này đã được thể hiện từ những những năm 20 thế kỷ XX khi Người phê phán kịch liệt chính sách ngu dân của thực dân Pháp, tố cáo chúng chà đạp lên văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, nhân phẩm Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Tuy vậy, trước dã tâm của kẻ thù xâm lược, cả dân tộc ta phải bước ngay vào “kháng chiến kiến quốc” để bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Đây là giai đoạn phát triển văn hóa dưới chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lãnh đạo xây dựng nền văn hóa mới gắn liền với chiến lược chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm, chống thói quen và truyền thống lạc hậu, Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Đây là quá trình “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”; thực hiện đấu tranh trên “mặt trận văn hóa” và xây dựng đội ngũ “chiến sĩ văn hóa”. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951), Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”[1]. Người khẳng định rõ vai trò xung kích của văn hóa trong sứ mệnh giải phóng dân tộc. Văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự,... phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Chính trị, kinh tế, văn hóa đều có vai trò quan trọng ngang nhau.

Hai là, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiến bộ và phục vụ nhân dân.  

Ngay sau khi giành được độc lập, giữa những bộn bề khó khăn, thách thức đối với chính quyền non trẻ, Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng nền văn hóa mới, đó là nền văn hóa “có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”[2]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước hết phải xuất phát từ gốc rễ từ dân tộc, gắn với dân tộc, thể hiện được “cốt cách” dân tộc. Đó là những giá trị, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được xây đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó chính là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý; cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tính khoa học của nền văn hóa dân tộc bao gồm cả ý nghĩa tiên tiến của chủ nghĩa xã hội lẫn ý nghĩa hiện đại, từ tư duy, lý luận khoa học, đội ngũ trí thức tiêu biểu cho một nền công nghiệp, khoa học, nghệ thuật hiện đại, đội ngũ công nhân... đến đỉnh cao văn hóa . Khoa học là sự tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của thời đại và đỉnh cao văn hóa nhân loại. Một trong những nội dung của tính khoa học là phải biết chọn lựa, “gạn đục khơi trong”, biết chắt lọc, lấy ra những cái gì cần thiết và có ích. Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì bỏ, cái gì cũ mà dùng được nhưng phiền phức thì phải sửa cho phù hợp, cái gì cũ mà tốt thì phải biết nhân lên. Tính khoa học của nền văn hóa còn thể hiện ở sự phù hợp của nền văn hóa dân tộc với sự tiến hóa chung của nền văn hóa nhân loại, ở khả năng đóng góp của văn hóa cho sự phát triển xã hội.

Tính đại chúng của nền văn hóa theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải là nền văn hóa vì nhân dân lao động. Nhân dân chính là sức sống của nền văn hóa mới. Bởi, nhân dân không chỉ là người sáng tạo ra của cải vật chất mà còn sáng tạo ra giá trị tinh thần. Sáng tác của nhân dân được Hồ Chí Minh đánh giá là “những hòn ngọc quý”. Nền văn hoá mới bắt nguồn từ trong nhân dân sẽ “luôn luôn tìm tòi những con đường để làm sao có thể kể một cách chân thật hơn, chân thành hơn cho nhân dân nghe về những mối lo âu và suy nghĩ của nhân dân”[3]. Theo Người, điều quan trọng nhất đó là nhân dân phải là những người được hưởng thụ các giá trị văn hóa. Người thường căn dặn, những cán bộ làm công tác văn hóa nghệ thuật phải hòa mình với thực tiễn cuộc sống để nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để các sáng tác của mình phục vụ thiết thực cho cuộc sống của nhân dân. Người luôn uốn nắn, phê bình lối nói, lối viết và lối sáng tác xa rời nhân dân, không phù hợp với trình độ và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân. Tư tưởng đó của Người thể hiện quan điểm vì con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bà là, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc nào cũng có một chiều sâu, cội rễ lịch sử - văn hóa. Đó chính là cốt cách, bản sắc, nét độc đáo trong văn hóa mỗi dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là thành quả của quá trình lao động, sản xuất, chiến đấu và giao lưu của con người Việt Nam. Về nội dung, đó là lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc,... Về hình thức, đó là biểu hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán, truyền thống,... Vì vậy phải trân trọng, khai thác, giữ gìn, phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cần đặc biệt chú trọng việc giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Theo Người, “văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc và học tập văn hóa tiên tiến của các nước,” và “mình hưởng cái hay của người thì mình cũng phải có cái hay cho người ta hưởng”. Tiêu chí tiếp thu là có cái gì hay, cái gì tốt là ta học lấy, phải lấy văn hóa dân tộc làm gốc, đó là điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hóa nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam là tài sản vô giá, là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta kế thừa và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6-1991), Đảng ta xác định “nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và đề ra những quan điểm chỉ đạo, những giải pháp lớn để xây dựng và phát triển văn hóa. Nghị quyết có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hoá trong thời kỳ đổi mới, tạo tiền đề để Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển văn hoá trong thời kỳ tiếp theo. Đến Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết khẳng định 5 quan điểm:

Thứ nhất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Thứ hai, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Thứ ba, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Thứ tư, xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Thứ năm, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[5].

Tiếp theo, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[6]. Đại hội lần thứ XIII cũng xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong thời gian tới đó là: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam đã tồn tại trong lịch sử; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hoá thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân…. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan....”[7].

Tóm lại, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa, trong giai đoạn hiện nay Đảng ta luôn khẳng định nền văn hóa mà nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, Đảng ta luôn chú ý tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu của từng thời điểm, từng lĩnh vực khác nhau của hoạt động văn hoá. Tư tưởng nhất quán về nguyên tắc, phương pháp biện chứng, linh hoạt và bám sát thực tiễn là bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo văn hoá của Đảng. Những thành tựu to lớn đã đạt được trên lĩnh vực văn hóa sau 35 năm đổi mới đã khẳng định đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng là đúng đắn và sáng tạo, tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thượng tá, TS Đỗ Duy Hưng

Khoa Công tác đảng, công tác chính trị - Học viện Hậu cần

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Báo cáo Hội nghị Văn hóa toàn quốc
  2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Võ Nguyên Giáp,Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2003.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ Chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr.40.

[3] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr.331.

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 8, tr.75.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2016, tr.126.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.115 - 116.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.143 - 144.