Theo báo cáo của VNR, doanh thu toàn tổng công ty đạt khoảng 3.732 tỷ đồng, tăng hơn 17%. Trong đó công ty mẹ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chưa bao gồm doanh thu từ hợp đồng dịch vụ sự nghiệp công dự kiến đạt hơn 1.126 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.
Vận tải khách tăng trưởng mạnh với doanh thu hơn 1.246 tỷ đồng, tăng hơn 83% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa sụt giảm mạnh, doanh thu chỉ thực hiện được 824 tỷ đồng, bằng khoảng 80% cùng kỳ.
Có được kết quả này, lãnh đạo VNR cho biết tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy vận tải như điều chỉnh số lượng đoàn tàu và hành trình chạy tàu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của khách hàng; đẩy mạnh chạy tàu khách các cung chặng ngắn nhu cầu hành khách du lịch cao các chặng Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng và ngược lại, Sài Gòn đi Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng và ngược lại…
Ngoài ra, VNR đưa ra các chính sách giá vé linh hoạt, điều chỉnh tăng giảm tùy thuộc số lượng hành khách đi tàu theo đoàn, cung chặng và thời điểm vận chuyển nên đã thu hút khách du lịch.
Cùng với việc tăng cường chạy tàu hàng, đặc biệt là tàu chuyên tuyến, tuy nhiên, lãnh đạo VNR thừa nhận sản lượng, doanh thu chưa đạt kế hoạch do nhu cầu chung của thị trường giảm sút.
Được biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã giao chỉ tiêu tổng doanh thu của VNR năm 2023 đạt 6.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của VNR vào đầu tháng Một, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy gợi mở ngành đường sắt cần xác định 3 trụ cốt đó là kết cấu hạ tầng (gồm các đơn vị bảo trì, quản lý hạ tầng), vận tải (cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá) và công nghiệp cơ khí đường sắt.
Trước đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, vận tải đường sắt liên tiếp thua lỗ. Năm 2022, vận tải khách bắt đầu phục hồi, vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt. Kết quả doanh thu hợp nhất của VNR VN đạt 7.718,2 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm; giảm lỗ khoảng 400 tỷ đồng./.