Vì bình yên cuộc sống Bảo vệ công nhân, lao động trước tệ nạn ma túy

Nguyễn Ánh Hiền
Thời gian qua, tình hình mất an ninh trật tự, hoạt động tội phạm trong công nhân, lao động vẫn diễn biến phức tạp.

ma-tuy-dang-moi-bac-ninh-7691-1683077575.jpg

Loại ma túy mới được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: MDMA, Ketamine, Diazepam được Công an Bắc Ninh thu giữ ngày 22/3/2022. (Ảnh: Công an cung cấp).

Đáng chú ý, ở nhiều địa phương, tội phạm ma túy đã tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân, lao động, biến khu nhà trọ, cổng xí nghiệp, cổng doanh nghiệp thành nơi mua bán trái phép ma túy. Đã có những công nhân, lao động trở thành tội phạm ma túy, người nghiện ma túy.

Nơi ở, nơi làm việc của công nhân, lao động đã không còn an toàn, gây hoang mang lo lắng cho không ít người, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và an ninh trật tự. Vì vậy, bảo vệ công nhân, lao động khỏi tệ nạn ma túy là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các cấp công đoàn và toàn xã hội, nhất là giai đoạn hiện nay.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho công nhân, lao động, thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều biện pháp, hoạt động cụ thể chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; trong đó bao gồm cả việc giúp công nhân, lao động chủ động phòng, chống tệ nạn ma túy.

Kiên trì quan điểm “lấy dự phòng là chính, công tác thông tin-giáo dục-truyền thông là then chốt, chủ động nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân, viên chức, lao động và gia đình họ ngay từ khi trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có người phạm tội, nghiện ma túy”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống ma túy.

Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” giai đoạn 2021-2025, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của người lao động, tăng cường công tác phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội.

Dự án đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện trong hai năm vừa qua, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động như: Phối hợp Bộ Công an tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các khu công nghiệp lớn tại các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng... về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, hậu quả, tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp; phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy; đồng thời chỉ đạo tổ chức Công đoàn phối hợp lực lượng công an triển khai mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” và nhiều mô hình khác, nhằm tác động tích cực đến ý thức phòng ngừa tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội đối với công nhân, lao động và người dân trên địa bàn.

Hiện, cả nước có 2.606 “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, với gần 201 nghìn công nhân, lao động tham gia; trong đó hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình này.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trong khi đó, do đặc điểm của công nhân, lao động ở các khu công nghiệp phải làm theo ca, kíp, việc đi lại diễn ra cả ngày lẫn đêm; số công nhân tạm trú thuê trọ không cố định lâu dài đã gây khó khăn trong công tác quản lý.

Trước thực tế nêu trên, nhiệm vụ phòng, chống ma túy, bảo đảm cuộc sống bình yên cho công nhân, lao động nói riêng, cho cộng đồng xã hội nói chung là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi cần sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong hệ thống chính trị.

Đối với tổ chức công đoàn, việc tiếp tục tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết.

Trong đó, các cấp công đoàn cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tới công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức mới trên các nền tảng mạng xã hội và đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông để công nhân, lao động dễ tiếp nhận, có thể cập nhật bất cứ lúc nào kiến thức về đấu tranh, phòng, chống tệ nạn ma túy.

Cùng với đó, các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an cùng cấp để triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ an toàn cho công nhân lao động, nhất là tại các khu nhà trọ, vùng lân cận quanh khu công nghiệp, khu chế xuất; duy trì và nhân rộng mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” và một số mô hình khác, biến các khu nhà trọ công nhân thành pháo đài bất khả xâm phạm đối với tội phạm ma túy; chỉ đạo công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với chuyên môn, đề nghị chủ doanh nghiệp quan tâm, đầu tư thêm để triển khai tuyên truyền, hỗ trợ công đoàn và công nhân tại doanh nghiệp trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy tại nơi làm việc và nơi ở của công nhân lao động.