Việt Nam - điểm sáng thu hút nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo

Vũ Xuân Kiên
Do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn, hiện đang có sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên toàn cầu. Trong đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Các quỹ đầu tư đang đổ vốn vào Việt Nam

Hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp KNST ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể sau khi bị sụt giảm do đại dịch Covid-19. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho KNST Việt Nam với số vốn tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020.

Trong giai đoạn 2020-2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp KNST đã đạt gần 2 tỷ USD. Đáng chú ý, năm 2022, số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, chứng tỏ một lượng lớn các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm.

maybay89100817am-1676130324.jpg
Sản phẩm máy bay không người lái hỗ trợ canh tác nông nghiệp của Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart. Ảnh: MINH ĐỨC

Các thương vụ lớn nhất của năm 2022 như Công ty Trusting Social huy động được 65 triệu USD. Trusting Social khởi nghiệp về công nghệ tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo. Trusting Social cung cấp dịch vụ cho hơn 170 tổ chức tài chính trên khắp Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines.

Hay nền tảng OnPoint huy động được 50 triệu USD. OnPoint là công ty KNST cung cấp giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ cho hơn 150 nhãn hàng trong các ngành hàng về làm đẹp-chăm sóc sức khỏe, thời trang, điện tử-gia dụng, dược phẩm, sản phẩm số, hàng tiêu dùng.

Trong đó, có nhiều nhãn hàng thuộc nhiều công ty đa quốc gia như: L’Oreal, Unilever, Nestlé, LG, Panasonic. Hay có thể kể tới công ty KNST trong mảng công nghệ tài chính Finhay huy động được 25 triệu USD. Finhay hiện sở hữu ứng dụng đầu tư cá nhân với hơn 2,7 triệu người dùng và trở thành ứng dụng đầu tư tài chính cá nhân phổ biến nhất Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho KNST được Chính phủ và các cơ quan quản lý quan tâm, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư KNST tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho cách mạng công nghiệp 4.0 được quốc tế đánh giá cao. Tại Báo cáo đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và năm 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, những mạng lưới tư vấn, cố vấn KNST trên phạm vi toàn quốc.

Nhấn mạnh đến vai trò của các quỹ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với sự hỗ trợ toàn diện về tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, các quỹ đầu tư đã góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái KNST Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn.

Tạo cơ chế hấp dẫn hút nguồn vốn

Đại diện các quỹ đầu tư đánh giá thị trường khởi nghiệp Việt Nam nhiều điểm sáng, do đó sẽ tăng cường nguồn vốn đầu tư vào thị trường này trong giai đoạn tới. Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, cho biết: Trong hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa lớn.

Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của “tam giác vàng khởi nghiệp” này. Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo... Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là đất lành cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư KNST thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.

Theo đó, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới sẽ là nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án KNST tiềm năng.