Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada trong tháng 2/2023 đạt 10,6 triệu USD, giảm 24% so với tháng 02/2022. Tính chung, 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada ước đạt 21,6 triệu USD, giảm 46,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 1/2023, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada giảm mạnh, đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada. Trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ và bộ phận ghế đạt 2,8 triệu USD, giảm 27,2% so với tháng 12/2022, giảm 62,8% so với tháng 1/2022; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đạt 2,6 triệu, giảm 39% so với tháng 12/2022, giảm 73,4% so với tháng 1/2022...
Đáng chú ý, ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada, trong tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ xuất khẩu tới thị trường Canada lại tăng trưởng khả quan.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này chỉ chiếm tỷ trọng thấp nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ mặt hàng xuất khẩu chính là đồ nội thất bằng gỗ.
Là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 trên thế giới, Canada luôn có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở mức cao. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê Canada, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này trong năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, Canada tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Mỹ và EU, tuy nhiên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 cho Canada, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 15,3% tổng trị giá nhập khẩu trong năm 2022, đạt 411,9 triệu USD, giảm 1,1% so với năm 2021.
So với nhu cầu nhập khẩu, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam mở rộng thị phần tại Canada trong thời gian tới.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau năm 5 năm thực thi đã giúp doanh nghiệp Canada biết đến và quan tâm nhiều hơn tới năng lực sản xuất của Việt Nam.
Đáng lưu ý, trong chiến lược mua hàng của đối tác Canada, Việt Nam đang nổi lên nhờ yếu tố ổn định, có thể dự báo và giá thành phù hợp.
Có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển thương mại Việt Nam - Canada. Cuối năm 2022, Canada đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, trong đó định vị ASEAN là trung tâm của khu vực và mong muốn ký kết hiệp định thương mại tự do Canada – ASEAN, đồng thời nâng quan hệ với ASEAN lên cấp đối tác chiến lược.
Trong chiến lược này, Việt Nam có một số lợi thế rõ ràng. Theo đó, Việt Nam được hầu hết doanh nghiệp Canada đánh giá là cửa ngõ hợp lý để đi vào khu vực nhờ ưu thế về vị trí địa lý, hạ tầng, lao động, ổn định chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP, APEC, đặc biệt 2 nước đã sớm thiết lập cơ chế Uỷ ban hỗn hợp kinh tế để trao đổi định kỳ về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại. Gần đây, 2 nước đã đưa vào khai thác tuyến tàu container tải trọng lớn chạy thẳng từ Hải phòng đi Vancouver giúp thời gian vận chuyển giảm còn 17 ngày, giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Canada. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, thì Canada vẫn chịu nhiều tác động không tích cực từ thị trường thế giới và tiêu dùng tiếp tục bị thắt chặt. Chính sách thương mại của Canada tạo nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, trao đổi thương mại, năm 2023 Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết sẽ tập trung triển khai một số hoạt động xúc tiến thương mại trọng tâm như: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, giúp gia tăng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh vào thị trường bằng việc tổ chức các đoàn về nước mua hàng; xúc tiến giao thương trực tuyến; hội thảo phổ biến, khai thác lợi thế các hiệp định thương mại tự do hai bên là thành viên....