Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Toyota hỗ trợ phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ôtô tại Việt Nam để sản xuất các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tiền Quốc Hào - Giám đốc điều hành của Tập đoàn Toyota Nhật Bản phụ trách khu vực Châu Á kiêm Chủ tịch Công ty Toyota châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 16/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tiền Quốc Hào, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Toyota Nhật Bản phụ trách khu vực châu Á kiêm Chủ tịch Công ty Toyota châu Á-Thái Bình Dương.
Đánh giá cao những đóng góp của Tập đoàn Toyota đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam những năm qua, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Toyota tiếp tục có những đóng góp quan trọng, hiệu quả vào mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Với kinh nghiệm, năng lực, thế mạnh sở trường, Phó Thủ tướng mong muốn Toyota tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các sáng kiến để Việt Nam có thể bắt kịp, thậm chí đi trước một bước trong lộ trình chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng bền vững, thực hiện giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero).
Để tiếp tục thành công tại thị trường Việt Nam, các tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới như Toyota cần tiếp tục đổi mới, tăng tỷ lệ nội địa hóa ôtô sản xuất trong nước, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, sạch, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về net zero.
Cụ thể, trong ngành công nghiệp ôtô, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Toyota có kế hoạch, lộ trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… nhằm phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ôtô tại Việt Nam để sản xuất các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.
Khẳng định Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ về đất đai, thủ tục, tài chính…, Phó Thủ tướng đề nghị các tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới như Toyota giữ vai trò “nhạc trưởng” trong hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ ôtô ở Việt Nam, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà từng bước có vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Tiền Quốc Hào - Giám đốc điều hành của Tập đoàn Toyota Nhật Bản phụ trách khu vực Châu Á kiêm Chủ tịch Công ty Toyota châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Tiền Quốc Hào cho biết, Tập đoàn Toyota đang tập trung nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ mới, thân thiện với môi trường để sản xuất các dòng xe ôtô có sản lượng tiêu thụ lớn tại Việt Nam, góp phần giảm phát thải từ các phương tiện giao thông.
Lãnh đạo Tập đoàn Toyota cam kết tiếp tục triển khai các sáng kiến, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam; mong muốn được hỗ trợ mở rộng mạng lưới nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ôtô, tăng tỷ lệ nội địa hóa ôtô sản xuất trong nước.
Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp bà Kirsten Schuijt, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao mỗi quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hà Lan trong gần 50 năm qua; đặc biệt mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và WWF.
Hai bên đã có những đóng góp, sáng kiến chung để cùng các nước trên thế giới thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước.
Bày tỏ trân trọng sự gắn bó của bà Kirsten Schuijt với Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng WWF thực hiện các ý tưởng mới, cách tiếp cận mới để thực hiện các mục tiêu chung trong giai đoạn hiện nay; đồng thời mong muốn bà Kirsten Schuijt chia sẻ kinh nghiệm về việc mở rộng các khu bảo tồn và phát triển gắn với quá trình mở rộng, phát triển kinh tế bền vững.
Hiện nay, trước yêu cầu phát triển kinh tế, sinh kế của người dân địa phương, hàng trăm khu bảo tồn thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, thậm chí biến mất; đòi hỏi phải có sự thay đổi nhanh chóng về nhận thức, tư duy tiếp cận mới về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trước khi quá muộn.
Để bảo tồn hiệu quả những khu vực có tính đa dạng sinh học cao thì điều kiện quan trọng là tạo dựng được sinh kế bền vững dựa vào thiên nhiên cho người dân địa phương.
Chia sẻ quan điểm phát triển kinh tế hài hòa với bảo tồn thiên nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần có các bước chuẩn bị cụ thể, từ quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật, chính sách đến đào tạo nhân lực, cơ chế tài chính… để thực hiện thành công các mô hình thí điểm, sau đó chuyển giao, nhân rộng.
Việt Nam mong muốn được tư vấn, hỗ trợ về tri thức, kỹ thuật, kinh nghiệm để nhân rộng những mô hình đã thành công trên thế giới, thí điểm các ý tưởng mới về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế bền vững.
Phó Thủ tướng gợi mở, WWF có thể thử nghiệm những sáng kiến, ưu tiên mang tính toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ngay tại Việt Nam, góp phần giải quyết các “bài toán” lớn trong ứng phó biến đổi khí hậu, chung sống an toàn với thiên tai; từ đó, hiện thực hóa sáng kiến “bảo tồn thiên nhiên để phát triển, phát triển để bảo tồn thiên nhiên.”
Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Tổng Giám đốc WWF đánh giá cao những chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn trong nước và toàn cầu.
WWF đã chứng kiến những thành quả đáng tự hào của Việt Nam như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; việc triển khai khung đa dạng sinh học toàn cầu; tham gia Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon…
Với vai trò dẫn dắt trong nỗ lực của khu vực và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, lãnh đạo WWF cho biết sẽ triển khai một số dự án mới về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn thiên nhiên của Hà Lan, bà Kirsten Schuijt hy vọng trong thời gian tới, hai bên có thể hợp tác hơn trong triển khai các giải pháp phát triển rừng, quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt; đồng thời triển khai các dự án cụ thể nhằm thực hiện Nghị định thư Montreal; thúc đẩy phương thức sản xuất, tiêu thụ lương thực hài hòa với tự nhiên./.
Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)