Việt Nam tích cực áp dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

Tran Huy
Với tư cách là thành viên của IAEA, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy áp dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Ngày 4/4, Phiên họp thường niên của Ủy ban Giải trừ quân bị Liên hợp quốc (UNDC) đã khai mạc tại New York (Mỹ) và dự kiến kéo dài đến ngày 21/4/2023. Phiên họp lần này tập trung thảo luận về về các chủ đề vũ khí hạt nhân và khoảng không vũ trụ.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu bày tỏ quan ngại trước tình trạng các rủi ro hạt nhân tăng cao hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh Lạnh và những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với an toàn, an ninh của các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ.

Bà Nakamitsu kêu gọi giảm leo thang căng thẳng, thúc đẩy đối thoại và khuyến khích các quốc gia tích cực thảo luận để đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cụ thể cho các vấn đề này.

Tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc về giải trừ quân bị đã được nhất trí tại Phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, cơ sở nền tảng quan trọng hướng tới mục tiêu giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để.

Đại diện Việt Nam kêu gọi các nước thực hiện đầy đủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sớm ký và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cân bằng cả ba trụ cột của vấn đề hạt nhân, bao gồm giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Với tư cách là thành viên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Việt Nam đang tích cực thúc đẩy áp dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân, đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân.

Việt Nam nhấn mạnh việc tham gia khoảng không vũ trụ là quyền bất khả xâm phạm của tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển.

Việt Nam sẽ đồng chủ trì hội thảo của Diễn đàn khu vực ASEAN về vấn đề này tại Hà Nội vào cuối tháng 4/2023.

Về chủ đề sử dụng khoảng không vũ trụ, đại diện của Việt Nam nhấn mạnh việc tham gia khoảng không vũ trụ là quyền bất khả xâm phạm của tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển.

Các hoạt động thăm dò và sử dụng khoảng không vũ vũ trụ phải phục vụ mục đích hòa bình và lợi ích của toàn thể nhân loại, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

UNDC là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc với nhiệm vụ chính là xem xét và đưa ra các khuyến nghị về những vấn đề khác nhau trong lĩnh vực giải trừ quân bị.

Phiên họp của UNDC diễn ra hàng năm với sự tham gia thảo luận của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

TTXVN