Anh là nước phát triển hàng đầu về năng lượng sạch trên thế giới nên Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ Anh cũng như các quốc gia phát triển đã đi trước trên nhiều lĩnh vực.
Tiến sỹ Đào Đức Cường, giảng viên Khoa Kỹ thuật cơ khí và năng lượng, Đại học Bradford (Anh). (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tiến sỹ Đào Đức Cường, chuyên gia về năng lượng sạch tại Đại học Bradford (Anh), cho rằng hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam rất giống với nước Anh đầu thập niên 2000 và Việt Nam có thể hợp tác, tham khảo kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch của Anh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London, đánh giá về chính sách năng lượng sạch của Anh hiện nay, Tiến sỹ Cường cho rằng Anh là nước đầu tiên trên thế giới đưa mục tiêu Net-zero (giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể) vào luật và cam kết giảm 100% khí thải nhà kính vào năm 2050.
Việc cải tổ nội các và tổ chức chính phủ mới đây, thành lập 3 bộ mới trong đó có Bộ An ninh năng lượng và Net zero từ Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp, cho thấy chính phủ Anh đã bước thêm một bước để thực hiện cam kết hướng tới trung hòa về khí thải của Anh vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Anh (và cả châu Âu) đang đối mặt với vấn đề khá nghiêm trọng liên quan đến thiếu giảm nguồn cung và giá năng lượng tăng cao, gián tiếp do những chuyển biến về tình hình thế giới liên quan tới xung đột ở Ukraine. Do đó, việc Anh chủ trương phát triển các loại năng lượng sạch để đảm bảo nguồn cung năng lượng và để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thời gian qua, có nhiều biến động liên quan đến ngành năng lượng ở Anh, các công ty lớn về năng lượng truyền thống như BP và Shell được lợi từ giá dầu khí tăng cao.
Ngành năng lượng sạch của Anh vẫn phát triển trong bối cảnh nhiều nước châu Âu gặp khó khăn. Trong năm 2022, mặc dù điện khí vẫn đứng đầu với tỷ lệ 38.5% tổng sản lượng điện năng của Anh, điện gió đã xác lập kỷ lục mới, cung cấp khoảng 27% và đứng ở vị trí thứ hai trong khi năng lượng hạt nhân đứng thứ 3, chiếm 15.5%.
Đáng chú ý, trang trại điện gió ngoài khơi Horn Sea 2 (1.3GW) trong tổ hợp trang trại điện gió lớn nhất thế giới đã đi vào vận hành vào tháng 8/2022. Đồng thời, một số dự án xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng gắn liền với những siêu tổ hợp điện gió này, chẳng hạn như Orsted ở khu vực Hornsea; Tesla ở khu vực Dogger Bank, cũng được cấp phép để kết nối với các trang trại điện gió ngoài khơi đang được xây dựng.
Theo Tiến sỹ Cường, mục tiêu đạt Net-zero của chính phủ Anh là rất tham vọng. Chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak mới được thành lập vào tháng 10/2022 và Bộ An ninh năng lượng và Net-zero cũng chỉ mới được tách ra từ tháng Hai vừa qua.
Nhiệm vụ đầu tiên của cơ quan mới này sẽ là cập nhật và cụ thể hóa định hướng phát triển năng lượng do chính phủ tiền nhiệm đã công bố năm 2022, dự kiến vào cuối tháng Ba này. Có thể thấy mục tiêu đạt Net-zero là không dễ đạt được vì nền kinh tế không chỉ của Anh mà của tất cả các nước trên thế giới vẫn phụ thuộc rất nhiều vào dầu khí.
Thời gian tới, chính sách của chính phủ mới sẽ tập trung phát huy các thế mạnh của Anh, cụ thể là đầu tư vào năng lượng sạch ví dụ như điện gió ngoài khơi, đồng thời bổ sung điện hạt nhân, phát triển hydro xanh, nâng cao hiệu suất, và xây dựng thêm hệ thống lưu trữ năng lượng.
Mục tiêu của Anh là tăng thêm công suất các loại năng lượng sạch để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo an ninh năng lượng.
Về hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực năng lượng sạch hiện nay, Tiến sỹ Cường cho rằng đây là lĩnh vực đầy tiềm năng vì hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam hiện tại rất giống với hoàn cảnh nước Anh trong thập niên đầu thế kỷ 21.
Giống như Anh, Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài và tiềm năng điện gió lớn đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam và Nam trung bộ, khu vực ngoài khơi phía Nam biển Đông.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Trong khi đó, Anh hiện là nước phát triển hàng đầu về năng lượng sạch trên thế giới nên Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ Anh cũng như các quốc gia phát triển đã đi trước trên nhiều lĩnh vực.
Về mặt cơ chế chính sách, Việt Nam có thể học hỏi cách chính phủ Anh hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các dự án điện gió giống như cơ chế CfD (Contract-for-Difference) do Anh khởi xướng và thực hiện thành công trong vòng 10 năm qua.
Việt Nam cũng có thể hợp tác với Anh để đào tạo nguồn nhân lực trong ngành năng lượng sạch vì Anh là quốc qia có những trường đại học hàng đầu về ngành năng lượng sạch. Đồng thời, Việt Nam có thể học hỏi Anh cách thu hút đầu tư từ các ông lớn trong ngành và xây dựng phát triển hệ thống chuỗi công nghiệp và phụ trợ cho phát triển ngành năng lượng tái tạo sẵn sàng cho cuộc chuyển dịch năng lượng có thể bắt đầu ngay trong phần còn lại của thập niên 2020.
Trong lĩnh vực năng lượng sạch hiện nay, điện gió ngoài khơi Việt Nam đang là câu chuyện rất "nóng." Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi dồi dào nhất khu vực châu Á và cũng đang thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp năng lượng lớn của Anh và thế giới.
Tiến sỹ Cường cho rằng Anh có nhiều kinh nghiệm phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi mà Việt Nam có thể tham khảo và ứng dụng trong điều kiện hiện nay. Điện gió ngoài khơi là thế mạnh lớn của Anh, do đó, ngoài việc tham khảo hỗ trợ về mặt cơ chế thu hút đầu tư, Việt Nam nên tham khảo cách phát triển nền công nghiệp phụ trợ cho điện gió.
Do bản chất của điện gió và các loại năng lượng tái tạo là không liên tục, Anh là một trong những nước làm tốt việc tích hợp và điều đô năng lượng tái tạo vào hệ thống điện lưới quốc gia. Khi xây dựng các trang trại điện gió và điện mặt trời công suất lớn, Việt Nam cần song song nâng cấp hệ thống truyền tải điện năng và cần học hỏi về quy hoạch, bổ sung các hệ thống lưu trữ năng lượng. Anh cũng là đối tác hàng đầu để Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, bổ sung và chuyển dịch dần dần nguồn nhân lực sẵn có trong ngành điện và dầu khí sang điện gió ngoài khơi.
Điện gió ngoài khơi là nguồn công nghiệp đặc thù, trong khi tuabin gió có thể được chế tạo bởi các tập đoàn lớn trong ngành từ Châu Âu, Mỹ. Khâu xây dựng và vận hành sẽ do nhiều đơn vị phối hợp thực hiện và sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng để phát triển nền kinh tế xanh.
Giống như Anh, Việt Nam cũng có nền công nghiệp dầu khí phát triển vững chắc trong nhiều thập niên qua nhưng sẽ đối mặt với sự suy giảm trữ lượng dầu khí trong tương lai trong khi nhu cầu về năng lượng sẽ tăng cao để phát triển nền kinh tế. Việc phát triển năng lượng sạch trong đó có điện gió sẽ là thách thức cũng như cơ hội lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Tiến sỹ Đào Đức Cường là giảng viên Khoa Kỹ thuật cơ khí và năng lượng, Đại học Bradford (Anh), từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp Tiến sỹ tại Đại học Alberta (Canada) và chương trình sau Tiến sỹ ở Hà Lan và Anh. Ông là một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng tái tạo và đã tham gia một số dự án của Anh./.
Phong Hà (TTXVN/Vietnam+)