Volkswagen đầu tư 5 tỷ USD xây nhà máy sản xuất xe điện tại Indonesia

Vũ Xuân Kiên
Volkswagen đã xác định địa điểm cho nhà máy, song chưa tiết lộ thông tin chi tiết nhưng cho biết nhà máy được thiết kế để cung cấp thành phần pin cho EV song cũng sẽ trực tiếp sản xuất EV.

Hãng xe Volkswagen của Đức có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin và xe điện (EV) trị giá 5 tỷ USD như một phần trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng EV tại Indonesia.

Báo điện tử địa phương Kumparan cho biết Chính phủ Indonesia đã xác nhận rằng hãng chế tạo xe hơi Đức sẽ bắt đầu nghiên cứu khả thi để xây dựng nhà máy EV ở quốc gia Đông Nam Á này.

ttxvnvolkswagen-1685958594.jpg
Công nhân làm việc tại nhà máy của hãng ôtô Volkswagen ở Zwickau, miền Đông Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Volkswagen đã xác định địa điểm cho nhà máy, song chưa tiết lộ thông tin chi tiết. Công tác xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Nhà máy được thiết kế để cung cấp thành phần pin cho EV song cũng sẽ trực tiếp sản xuất EV.

Volkswagen là một trong số các hãng xe đang tăng tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng EV và xây dựng các nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu về EV, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm về sản phẩm này và các chính phủ kêu gọi sử dụng nhiều EV hơn để giúp hạn chế quá trình biến đổi khí hậu.

Hồi đầu năm nay, Volkswagen dự báo 8/10 xe bán ra ở châu Âu vào năm 2030 sẽ là EV. Về phần mình, hãng xe Đức có kế hoạch ra mắt 10 mẫu EV mới vào năm 2026, bao gồm một mẫu dưới 25.000 USD.

Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào các kế hoạch điện khí hóa ở Bắc Mỹ và 1 tỷ USD ở Nam Mỹ.

Ngày 13/3, Volkswagen thông báo hãng đã chọn Canada để xây dựng nhà máy pin đầu tiên bên ngoài châu Âu nhằm nội địa hóa chuỗi sản xuất xe điện trong khu vực.

Ngày 18/4, Volkswagen cho biết sẽ đầu tư hơn 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) xây dựng trung tâm phát triển và sáng tạo mới có tên 100%TechCo tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, Trung Quốc đại lục.

Trung tâm dự kiến sẽ khánh thành trong nửa đầu năm 2024 với hơn 2.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực thu mua và nghiên cứu phát triển (R&D).

Trung tâm sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các nhóm nghiên cứu phát triển phương tiện và linh kiện với bộ phận mua hàng, cũng như tích hợp các công nghệ nội địa tiên tiến vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm.

Trung tâm được kỳ vọng sẽ dần rút ngắn tới 30% thời gian phát triển các sản phẩm và công nghệ mới.

Ông Ralf Brandstaetter, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Volkswagen Trung Quốc, cho biết việc thiết lập trung tâm 100%TechCo là bước tiến quan trọng trong triển khai sáng kiến “in China, for China” (tại Trung Quốc, vì Trung Quốc) của tập đoàn.

Ông kỳ vọng trung tâm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển sản phẩm, gia tăng lợi nhuận, cũng như cải thiện hiệu quả hợp tác liên doanh giữa các bên.

Cũng tại Hợp Phì, Volkswagen An Huy hiện là nhà máy liên doanh đầu tiên của hãng sản xuất xe ôtô Đức này tại Trung Quốc, có nhiệm vụ xúc tiến quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất các phương sử dụng năng lượng mới./.